Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngày 9/2/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 544 về tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo Kế hoạch số 169 ngày 24/4/2019 về phòng, chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 và Văn bản số 178 ngày 15/1/2021 về việc tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và kiểm soát vận chuyển lợn qua biên giới...
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có địa phương nào xảy ra dịch cúm gia cầm (kể cả dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6). Toàn tỉnh hiện có hơn 2 triệu con gia cầm. Để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, chi cục đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tốt 2 đợt tiêm phòng đại trà trong năm, kết hợp tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho đàn vật nuôi; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ trang trại nuôi gia cầm và các cơ sở chế biến gia cầm tăng cường tiêu độc, khử trùng và tổng vệ sinh chuồng trại.
Cùng với tiêm vắc-xin, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của dịch cúm gia cầm, qua đó chủ động phòng, chống dịch bệnh…
Tại xã Điện Quan (Bảo Yên), nuôi gà thả đồi là hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Hiện nay, xã có tổng đàn gia cầm hơn 60 nghìn con, 12 trang trại và gần 100 gia trại chăn nuôi gà hàng hóa. Chăn nuôi gà góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Hộ chăn nuôi của gia đình ông Vàng Văn Minh ở Bản 5 là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm lớn nhất xã Điện Quan với hơn 4 nghìn con gà/lứa.
Những ngày này, ông Minh chủ động theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để nắm chắc diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 trong và ngoài tỉnh, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ông cho biết: ‘Tôi xác định phòng dịch bệnh ngay từ khâu chọn con giống, nên luôn chọn mua gà giống từ cơ sở sản xuất có uy tín, được đóng dấu kiểm dịch. Các loại thuốc phòng bệnh, tôi đều sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã”.
Ông Nguyễn Xuân Nam, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên thông tin: Trên địa bàn huyện đang có hơn 100 nghìn con gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, trung tâm phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 80% tổng đàn thuộc đối tượng tiêm phòng. Trung tâm còn tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm...
Tại huyện Bảo Thắng, vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm của tỉnh, với tổng đàn hơn 1,7 triệu con, năm 2018, trên địa bàn huyện xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Vì vậy, trước thông tin dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N1 và A/H5N6 xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, huyện Bảo Thắng đã “bật” chế độ phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất.
Gia đình bà Phạm Thị Loan ở thôn Na Ó, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gà cho biết: Nhiều năm nay, nuôi gà là nguồn thu nhập chính nên gia đình rất quan tâm đến việc phòng bệnh cho đàn gà, đặc biệt là các biện pháp phòng bệnh cúm A/H5N1. Chuồng trại nuôi gà được xây dựng đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và được quét dọn, cọ rửa hằng ngày; có tường bao quanh hạn chế người và súc vật vào khu chăn nuôi để tránh lây lan dịch bệnh. Nhiều năm nay, đàn gia cầm của gia đình không bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Huyện đã sớm ban hành kế hoạch đến các xã, thị trấn, phân vùng nguy cơ đối với các địa phương để xây dựng các biện pháp và bố trí nguồn lực tổ chức hoạt động kiểm soát, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế ở cơ sở. Đồng thời, huyện tổ chức cho tất cả hộ chăn nuôi ký cam kết tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và chăn nuôi an toàn, hộ nào vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và không được nhận hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra.
Quang Sơn