Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, với dân số hơn 730 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 66,2%.
Tại Lào Cai, chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Ngày 16/7/2021 HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 15).
Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, để Nghị quyết 15 thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền cấp huyện, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đảm bảo mọi quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo đúng quy định.
Đến nay, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh hiện có 30 đầu mối cơ quan, đơn vị. Trong đó, tuyến tỉnh có 5 bệnh viện và 5 trung tâm lĩnh vực y tế tuyến tỉnh; tuyến huyện có 8 bệnh viện đa khoa và 9 trung tâm y tế; có 18 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện; tuyến xã có 152 trạm y tế đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh.
Theo kết quả giám sát của cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh; những năm gần đây số lượt người bệnh là người dân tộc thiểu số đến các cơ sở y tế công lập khám và chữa bệnh, sinh con ngày một tăng. Điều đó cho thấy chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh của tỉnh đã được triển khai tương đối sâu rộng.
Bên cạnh đó nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân đã được nâng lên, cùng với việc các cơ sở y tế đã tăng cường nâng cao chât lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh, các trang thiết bị được đầu tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh khá đầy đủ, quyền lợi của của các đối tượng chính sách được đảm bảo.
Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 15 đến hết tháng 9/2022, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho trên 830 nghìn lượt người, trong đó 203.110 lượt người khám chữa bệnh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 24,5%.
Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh đã có hơn 12.700 phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế công lập; trong đó, có 9.790 phụ nữ là người dân tộc thiểu số, chiếm 76,7%.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện chính sách cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến, triển khai các nội dung của chính sách bằng nhiều hình thức đến với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe; tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ người dân tộc thiểu sô nên đên các cơ sở y tế để sinh con.
Kịp thời quy định, hướng dẫn việc thực hiện xác định khoảng cách từ trung tâm thôn, bản, tổ dân phố đên các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, để các cơ sở y tê có căn cứ thanh toán hỗ trợ tiền đi lại cho người dân tộc thiểu sô khi đến khám, chữa bệnh được đảm bảo đúng quy định.
Chính quyền cấp xã cần phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội thường xuyên rà soát thông tin, thực hiện việc cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho người dân để người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ chính sách, đảm bảo theo đúng quy định.
Thanh Hùng, Lê Hùng, Mai Hương, Diệu Bình, Kiều Oanh