Đa dạng kênh thông tin, lan tỏa tri thức đến mọi người dân

Xác định thiếu hụt thông tin là một trong những nguyên nhân chính gây ra nghèo đói, Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh truyền thông về các chính sách giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên nhiều kênh khác nhau, từ báo chí, truyền hình, đài phát thanh đến mạng xã hội và loa truyền thanh cơ sở.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, gần 500 tin bài, chuyên mục đã được các cơ quan báo chí và truyền thông cơ sở sản xuất và đăng tải. Báo Lào Cai còn chủ động ứng dụng công nghệ số, sản xuất nhiều ấn phẩm infographic trực quan, sinh động về các chính sách giảm nghèo.

Đặc biệt, mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số đã triển khai hiệu quả, phổ biến 7 chính sách quan trọng liên quan đến hộ nghèo, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở cũng tích cực tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo.

Bên cạnh đó, hạ tầng mạng viễn thông được chú trọng đầu tư, đảm bảo phủ sóng rộng khắp. Các nền tảng số như App Lào Cai, Sổ sức khỏe điện tử... được triển khai rộng rãi, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ công một cách thuận tiện.

Lào Cai đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin để đưa thông tin về tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, đến nay, gần 97% hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.

Thông tin chính sách kịp thời, kiến thức sản xuất được phổ biến rộng rãi đã giúp nhiều người dân thay đổi tư duy, từ bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế.

Câu chuyện của chị Tráng Thị Liên ở Bắc Hà là một ví dụ điển hình. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng mận, kết hợp trồng rau dưới tán cây và chăn nuôi, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

tủ sách ngược chièu.jpeg
Cô gái Chảo Yến xây dựng “tủ sách ngược chiều” để giúp giới trẻ vùng cao hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa và truyền cảm hứng theo đuổi ước mơ học tập cho các em nhỏ.

Chảo Yến - khát vọng lan tỏa tri thức bản địa

Câu chuyện của Chảo Yến, cô gái Dao đầu tiên ở Bát Xát nhận học bổng Thạc sĩ toàn phần và quyết định trở về quê hương lập nghiệp, là một điểm sáng đáng chú ý.

Cô là người dân tộc Dao Tuyển đầu tiên nhận được học bổng du học toàn phần trị giá 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng). Hành trình trở thành thạc sĩ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững (ĐH Goettingen, Đức và ĐH Padova, Italy) đầy gian nan nhưng vô cùng tự hào của Yến như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho giới trẻ theo đuổi ước mơ, góp phần thay đổi nhận thức của những người dân vùng cao biên giới.

Cầm tấm bằng thạc sĩ về nước, Yến đi làm cho một số tổ chức phi chính phủ, thực hiện nhiều dự án về giá trị tri thức bản địa, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Với vai trò Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong, Chảo Yến đã khéo léo kết hợp tri thức bản địa với công nghệ số, quảng bá thành công các sản phẩm của người Dao... ra thị trường rộng lớn. Đặc biệt, các bài thảo dược của người Dao cũng được đông đảo người dân quan tâm và đặt hàng; qua đó tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã, Chảo Yến còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo thông tin, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ, có điều kiện sử dụng internet.

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường truyền thông chính sách trên nền tảng số, ưu tiên các nội dung về hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Lào Cai đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu không còn hộ nghèo, hướng tới một tương lai tươi sáng cho tất cả người dân.