Cắt giảm thời gian thực hiện 40.000 lượt hồ sơ, tiết kiệm 40 tỷ đồng
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 9 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện được 40/21 hoạt động thuộc kế hoạch thực hiện cải cách hành chính năm 2022. Theo đó, trong 9 tháng qua, tỉnh Lào Cai thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định đối với 933/1.972 TTHC (đạt 47,3%).
Tính từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại bộ phận một cửa của 3 cấp là trên 335.000 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 98,63%. Các hoạt động về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, hiện Lào Cai có trên 40.000 lượt hồ sơ được cắt giảm thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí trên 40 tỷ đồng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Lào Cai xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố với 58,71 điểm theo bộ chỉ số theo Quyết định số 766 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Từ những kết quả đạt được, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác CCHC để đưa Lào Cai nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính Quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, không chỉ Trung tâm Phục vụ hành chính công mà Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã cũng phải tích cực hỗ trợ, giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến; thực hiện số hóa, luân chuyển hồ sơ bằng phương thức điện tử trên Igate và triển khai thanh toán trực tuyến, đảm bảo được chỉ tiêu Chính phủ giao.Đồng thời, các cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện TTHC, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để người dân, tổ chức dễ tiếp cận, biết và hiểu rõ tiện ích, tăng cường sử dụng.
Tiếp tục tạo đột phá trong cải cách hành chính
Cải cách hành chính được Lào Cai xác định là một trong những “chìa khóa” then chốt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, từ đó góp phần tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng cho điều này là năm 2021, Lào Cai xếp hàng xếp thứ 11/63 về Chỉ số cải cách hành chính, tăng 3 bậc so với năm 2020. Về Chỉ số về sự hài lòng phục vụ hành chính (SIPAS), tỉnh Lào Cai đạt 84,50% điểm đứng thứ 52/63 tỉnh, thành tăng 4 bậc so với năm 2020.
Hiện Lào Cai có 1.598/1.950 thủ tục hành chính có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến lên mức độ 4 (đạt 82%), trong đó, 1.345/1.598 thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia…
Cùng với đó, Lào Cai đã triển khai nền tảng kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh kết nối với nền tảng liên thông quốc gia (VDXP, NDXP) và đang triển khai việc kết nối, liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành quản lý. Tỉnh cũng đã triển khai Hệ thống xác thực tập trung - SSO (đã hoàn thành tích hợp 15 ứng dụng dùng chung của tỉnh); đang hoàn thiện ứng dụng tương tác giữa người dân và chính quyền trên thiết bị di động thông minh (app công dân Lào Cai).
Trong thời gian tới, Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh…
Ngoài ra, Lào Cai cũng tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính còn rườm rà, cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính đặc biệt là các thủ tục hành chính có tần xuất thực hiện nhiều. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần giúp giảm thời gian đi lại và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đã việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu và tăng cường tính công khai, minh bạch. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản không còn tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp trên địa bàn.
N. An