Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới với 25 dân tộc cùng sinh sống; hơn 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, chính sách cán bộ dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị những năm qua. Chính sách đặc thù về thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, y tế.
Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tăng lên qua từng năm. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cấp có nhiều chuyển biến, hầu hết đã đạt tiêu chuẩn, ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ trên chuẩn ngày càng nhiều, trong đó có cả cán bộ có trình độ cao (thạc sỹ, tiến sỹ). Qua đó góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Tỉnh Lào Cai thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa… cho gần 800 công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 52 người là dân tộc thiểu số; giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ đào tạo trình độ sau đại học cho 16 người là dân tộc thiểu số; giai đoạn 2021 - 2023, 17 viên chức ngành y tế là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo sau đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, chưa có chính sách đồng bộ các khâu từ phát hiện, tìm kiếm, trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chưa xác định được các tiêu chí thu hút nhân tài và nhân tài là người dân tộc thiểu số; chưa có chính sách riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách còn khá thấp; nguồn lực thực hiện chính sách đặc thù của địa phương còn hạn chế.
Do đó, cần có quy định về quỹ biên chế công chức hàng năm dành riêng thu hút nhân tài nhằm bổ sung nhân lực chất lượng cao vào các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các bộ, ngành quy định tiêu chí xác định nhân tài ở từng ngành, lĩnh vực; Ủy ban Dân tộc xây dựng tiêu chí xác định nhân tài là người dân tộc thiểu số để các địa phương căn cứ thực hiện…