Những bài toán "thiên niên kỷ" chưa giải được của Lào Cai nay có thể giải được nhờ chuyển đổi số. Đó là một trong những gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai, ngày 14/10.
Ngày 14/10, tại Lào Cai, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với tỉnh Lào Cai.
Tham dự buổi làm việc còn có Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và lãnh đạo một số Cục, Vụ, Văn phòng Bộ TT&TT, cùng đại diện các sở, ngành tỉnh Lào Cai.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã thông tin một số kết quả nổi bật đạt được của tỉnh Lào Cai trong phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực thông tin truyền thông.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, những năm qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số.
Nổi bật trong số đó là tỉnh đã thành lập 1.556 tổ công nghệ số cộng đồng, giúp người dân thay đổi nhận thức và tham gia vào quá trình ứng dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung triển khai một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số trên lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, cửa khẩu số...
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét, hỗ trợ tỉnh Lào Cai sớm khắc phục hậu quả thiên tai liên quan đến hạ tầng viễn thông; đồng thời đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ tỉnh triển khai một số nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đô thị thông minh, chuyển đổi số toàn diện cấp phường, trợ lý ảo...
Tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai khẳng định, tỉnh đã dồn nhiều nguồn lực, nhân lực để đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể, tỉnh Lào Cai xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan.
"Lào Cai có quyết tâm chính trị rất cao, trong đó đã dành ít nhất 1% ngân sách để phục vụ chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chuyển đổi số được tỉnh đặc biệt quan tâm...", ông Phong chia sẻ.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, dù đầu tư và quan tâm dồn nhiều nguồn lực, song tỉnh vẫn rất cần sự định hướng, tư vấn cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về cơ chế, chính sách cho từng việc cụ thể. Trong đó, có nhiều bài toán tỉnh đang đối mặt như: Người nông dân còn nghèo; chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...
Giải bài toán "thiên niên kỷ" nhờ chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những trăn trở của Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai là những bài toán thiên niên kỷ chưa giải được. Tuy nhiên, với chuyển đổi số, các bài toán trên sẽ có lời giải.
Đầu tiên, Bộ trưởng đề cập giải bài toán về nông dân nghèo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Lào Cai cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp để chung tay giải quyết vấn đề này bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, đối với doanh nghiệp, sau lợi nhuận thu được là trách nhiệm với xã hội.
"Chính phủ đã có chủ trương các tập đoàn lớn đứng ra hỗ trợ các huyện để giảm nghèo. Đối với Lào Cai có thể huy động doanh nghiệp nhận 1 - 2 xã khó khăn để hỗ trợ; mỗi gia đình khá giả ở thành thị nhận giúp đỡ một hộ nghèo...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở.
Để nông dân thoát nghèo và làm giàu nhờ chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Lào Cai có thể tham khảo một số tỉnh đã triển khai rất tốt ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp như Thái Nguyên (truy xuất nguồn gốc từng cây chè); mỗi loại nông sản cần được xây dựng thương hiệu riêng biệt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kết hợp với sàn thương mại điện tử và hệ thống giao hàng có thể kết nối nông dân với thị trường tiềm năng...
Đối với bài toán chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây cũng là câu chuyện thiên niên kỷ, nhưng Lào Cai có thể giải quyết bằng công nghệ số. Bộ trưởng dẫn ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay, các giáo viên giỏi đều không ở lại các vùng miền núi mà sẽ chọn cuộc sống ở đô thị. Có nhiều tỉnh đã tạo cơ chế chính sách, phúc lợi rất cao, thậm chí bố trí nhà ở nhưng cũng ít giáo viên gắn bó.
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, với câu chuyện nêu trên thì tỉnh Lào Cai có thể thay đổi cách tiếp cận là sẽ tạo ra giáo viên bằng trợ lý ảo, giáo viên ở lớp sẽ triển khai quản lớp, nhắc nhở, giải đáp và làm rõ thêm. Với cách làm trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Lào Cai sẽ có những giáo viên có trình độ số 1 thế giới.
Không riêng giáo dục, theo Bộ trưởng, các lĩnh vực khác đều có thể ứng dụng chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Về thực tế chất lượng cán bộ hiện nay chưa cao, theo Bộ trưởng đây cũng là bài toán thiên niên kỷ mà công nghệ số có thể giải được. Bộ trưởng viện dẫn, hiện nay có khoảng 200.000 văn bản trên các lĩnh vực khiến cán bộ công chức quá tải. Nhiều người sợ sai nên không dám triển khai.
Do đó, việc xây dựng và ứng dụng trợ lý ảo để giải quyết bài toán nêu trên thì quy trình thủ tục sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn. Khi trợ lý ảo đi vào vận hành, thì mỗi cán bộ công chức sẽ trở nên xuất sắc hơn và hiệu suất hoàn thành công việc tốt hơn, chính xác tuyệt đối.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì tỉnh Lào Cai cần quan tâm đầu tư hạ tầng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng và được nhìn nhận là hạ tầng chiến lược, bên cạnh hạ tầng giao thông và hạ tầng điện.
Tại buổi làm việc, trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp nhiều câu hỏi trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng, quản lý khu vực biên giới...
Phát biểu cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và thành viên đoàn công tác của Bộ TT&TT, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Qua buổi làm việc đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
"Những gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất hữu ích, rất chất lượng, vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể từng nhiệm vụ", ông Đặng Xuân Phong nói và cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi đố trên địa bàn.
"Mục tiêu cuối cùng là người dân"
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có buổi làm việc với Sở TT&TT tỉnh Lào Cai. Tại đây, Bộ trưởng đã giải đáp, gợi mở nhiều hướng đi, cách làm và định hướng cụ thể cho lãnh đạo, người lao động và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Giải đáp những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong câu chuyện về chuyển đổi số thì ngữ cảnh là yếu tố quan trọng nhất. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, trước tiên, ngành thông tin và truyền thông cần thay đổi cách nghĩ, cách làm việc.
"Trong kỷ nguyên số, thông tin nhiều vô cùng nhưng chỉ những thông tin có liên quan mới là thông tin có giá trị, cần phải tìm được sự khác biệt và khi đặt đúng, phù hợp với ngữ cảnh thì bất cứ bài toán khó nào cũng sẽ tìm được lời giải", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Theo Bộ trưởng, Sở TT&TT, Báo Lào Cai và Đài PTTH tỉnh cần phải nhìn vào thực tế của đơn vị mình đang gặp phải những khó khăn gì, đòi hỏi gì từ thực tiễn để có giải pháp ứng dụng chuyển đổi số. Ví dụ khó khăn về chính tả, về thiếu thông tin hoặc yêu cầu viết bài thì trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giải quyết được tất cả. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ sớm xây dựng một hình mẫu chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí địa phương để áp dụng rộng rãi.
Về khó khăn của doanh nghiệp viễn thông trong triển khai hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính quyền cần đồng hành với doanh nghiệp trong việc thuyết phục người dân đồng thuận trong mục tiêu phát triển hạ tầng số. Từ đó, sẽ tránh câu chuyện đền bù 1 cây tre với giá 10 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là hướng đến người dân. Ví dụ, mục tiêu lắp trạm phát sóng là để người dân có thể thụ hưởng.
Về cách làm chuyển đổi số, Bộ trưởng gợi ý là hãy bắt đầu từ những việc nhỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số thì chuyển đổi là chính, chuyển đổi là 70, công nghệ là 30. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế, về thay đổi nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.