- 5 năm đã đi qua, nhưng vết thương nặng nề xảy ra ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn còn nhức nhối. Đến bây giờ sự phẫn nộ của người dân với những cấp có trách nhiệm bỗng bột phát. Và trách nhiệm của những người liên quan chính thức bị truy cứu.
Dân muốn bỏ tù lãnh đạo TEPCO
Trong tuần cuối tháng 2/2016 vừa qua, một đơn kiện với chữ ký của 1.324 người dân tỉnh Fukushima đòi bỏ tù ban lãnh đạo Tổng công ty điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan sở hữu nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cùng một số quan chức chính phủ.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật) bị tai nạn và hư hỏng trong sự cố động đất sóng thần lịch sử ngày 11/3/2015. |
Trong đơn kiện gửi đến văn phòng công tố Fukushima, người dân chỉ đích danh tên chủ tịch TEPCO Tsunehisa Katsumata, cựu chủ tịch Masataka Shimizu và 31 người khác phải chịu trách nhiệm khi thảm hoạ hạt nhân xảy ra sau thiên tai kép - động đất và sóng thần - ngày 11/3/2011 và việc người dân Fukushima bị nhiễm xa.
Đơn kiện lên án: “Thảm hoạt hạt nhân Fukushima là tội ác lớn nhất của một tập đoàn trong lịch sử Nhật Bản và đã gây ra thiệt hại đáng kể cho cuộc sống, sức khỏe và tải sản người dân Fukushima cũng như toàn bộ nước Nhật”.
Trong đơn kiện, trước hết, người dân cáo buộc các quan chức đã không có động thái phòng ngừa nào cho thảm họa này bất chấp nhiều trận động đất đã xảy ra và các cảnh báo về sóng thần ở Fukushima. Người dân cũng khẳng định chính sự chậm trễ trong việc công bố dữ liệu phóng xạ từ Hệ thống dự báo khẩn cấp thông tin môi trường đã đẩy rủi ro nhiễm xạ của cộng đồng cao thêm.
Tổng Công ty Điện lực Tokyo TEPCO bây giờ mới thừa nhận công khai việc họ đáng lẽ phải thông báo cho công chúng biết thảm họa hạt nhân đã xảy ra ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima chỉ trong vòng vài ngày sau sự cố động đất sóng thần xảy ra. Vì, sự thật như các chuyên gia từ lâu đã kết luận, rằng sự tan chảy lõi lò phản ứng đã bắt đầu xảy ra chỉ trong vòng vài giờ sau khi lò phản ứng bị sóng thần ập vào.
Cụ thể, ngay trong ngày 11/3/2011, khi nhà máy bị mất điện khi bị sóng thần nhấn chìm và khả năng làm mát lò phản ứng hạt nhân bị mất trong lúc các thanh nhiên liệu vẫn còn hoạt động, điều này dẫn đến phát nổ. Đây là vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.
Một thái độ thiếu trung thực được vạch ra. Từ sự cố hạt nhân xảy ra với lò phản ứng xảy ra sau vài giờ được kéo dài thành “sau vài ngày” tính từ thời điểm xảy ra sự cố động đất sóng thần, và việc công bố cũng như báo cáo lên các cấp kéo dài đến những hai tháng! Và toàn bộ các sự việc che đậy nói trên, đến tận bây giờ, sau 5 năm trời mới được chủ nhân nhà máy - Tổng Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) chính thức thừa nhận.
Do đó, thái độ phẫn nộ của người dân Nhật Bản đối với cơ quan có trách nhiệm chính - TCTy TEPCO là có cơ sở.
Cơ quan tư pháp vào cuộc
Cơ quan tư pháp Nhật Bản rốt cuộc đã phải chấp nhận đơn kiện của những công dân Nhật Bản, sau khi đã một lần bác bỏ.
Truyền thông Nhật Bản hôm 29/02, cho biết: 3 vị cựu giám đốc điều hành TEPCO sẽ phải ra tòa để trả lời về trách nhiệm của họ, trước hết, trong việc để xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima vào ngày 11/3/2011.
Theo luật sư của bên nguyên cáo, cựu chủ tịch hội đồng quản trị của TEPCO, quản lý nhà máy điện nguyên tử Fukushima là ông Tsunehisa Katsumata, 75 tuổi, cùng hai phó giám đốc điều hành, Sakae Muto, 65 tuổi, và Ichiro Takekuro, 69 tuổi, đã bị truy tố về tội sơ suất trong công việc, dẫn đến tử vong và thương tích. Ba nhà lãnh đạo cựu trào của TEPCO bị cáo buộc là đã không đề ra các biện pháp khả dĩ ngăn chặn được các thiệt hại đối với nhà máy, do sóng thần và chuỗi sự cố sau đó gây ra
Theo đài truyền hình nhà nước Nhật Bản NHK, “Đây là lần đầu tiên mà tòa án sẽ phải phán quyết về tội trạng của một cá nhân trong việc để xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima''.
Phiên tòa sẽ được mở ra sau khi một hội đồng bồi thẩm nhân dân đặc biệt, vào tháng 7/2015, đã yêu cầu xúc tiến việc xét xử sau một thủ tục phức tạp, kéo dài trong nhiều tháng.
Hội đồng bồi thẩm gồm các công dân cho rằng ban lãnh đạo TEPCO phải chịu trách nhiệm về cái chết của 44 bệnh nhân cao tuổi, được sơ tán trong những điều kiện tồi tệ ra khỏi một bệnh viện ở Futaba, gần trung tâm hạt nhân Fukushima, cũng như thương tích đối với 13 người khác.
Các diễn biến của các phiên tòa xét xử trách nhiệm của các nhà cựu lãnh đạo Tổng công ty điện lực Tokyo liên quan cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy điện Fukushima, cũng như qua trình tái khởi động chậm chạp của hệ thống các nhà máy điện hạt nhân ở xứ sở Mặt Trời Mọc đang được nhiều triệu người trên thế giới, kể cả Việt Nam, quan tâm theo dõi.
Trần Minh
XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC