- Vấn đề đặt ra tại hội thảo đào tạo cán bộ quản lí giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng 20/4.
Được xem là giải pháp then chốt quyết định thành bại của đổi mới giáo dục nhưng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục hiện còn nhiều bất cập, yếu kém.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương Nguyễn Văn Quốc cho rằng, quản lí giáo dục là một nghề, nhưng rất khó vì liên quan đến con người với tính cách phong phú, đa dạng, phức tạp.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương Nguyễn Văn Quốc. (Ảnh: Anh Tiến) |
Thực tế ở Hải Dương, theo ông Quốc, có gần 80% số hiệu trưởng được đề bạt giữ chức vụ quản lí rồi mới được đi đào tạo. Phần lớn hiệu trưởng ở địa phương ông hiện làm theo kinh nghiệm, học tập người tiền nhiệm dẫn tới nhiều việc làm không đúng.
Ông Hoàng Văn Dương, Phó GĐ Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, hiện đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục của tỉnh vừa thiếu về số lượng, cơ cấu không hợp lí, phong cách làm việc chưa khoa học, khả năng tuyên truyền vận động chưa tốt, có người không muốn lên giữ chức vụ nhưng không còn ai nên phải làm.
Ông Dương thừa nhận so với các tiêu chí của chuẩn chức danh hiệu trưởng của Bộ GD-ĐT thì cán bộ quản lí của địa phương ông gần như 100% chưa đạt chuẩn.
PGS.TS Trần Kiểm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thẳng thắn, thực tế có nhiều người không học gì vẫn lên làm quản lí, chỉ nói hay mà làm dở, năng lực lãnh đạo cuốn hút cấp dưới không có.
Để nâng chất lượng người quản lí, theo ông Quốc nên thực hiện bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Hiện việc này nếu có chỉ mới làm thí điểm, trong khi giáo viên phải chật vật đi thi mới được tuyển vào ngành.
Tại Lào Cai, Phó GĐ Dương cho biết giải pháp của tỉnh là phân loại cán bộ quản lí từ chuẩn mức cao đến trung bình, thấp và yêu cầu mỗi cá nhân xây dựng kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng theo thời gian nhất định. Nếu không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, kể cả bổ nhiệm rồi thì phải xem xét lại.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai Hoàng Văn Dương. (Ảnh: Anh Tiến) |
Bên cạnh đó, cán bộ yếu ở khâu nào Lào Cai sẽ bố trí chuyên gia hoặc cán bộ địa phương có chuyên môn và thực tiễn đến chia sẻ kiến thức.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo đưa giải pháp: Các cán bộ quản lí giáo dục cao cấp mỗi tuần nên dành một buổi nghe các nhà Tâm lí giáo dục, Kinh tế học giáo dục, Xã hội học giáo dục đến bổ túc kiến thức.
Về đào tạo, ông Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho rằng chương trình đào tạo Bộ GD-ĐT đưa ra phần kiến thức chung hơi nhiều. Nhà trường khi mở lớp nghiệp vụ quản lí giáo dục mầm non phải đưa nội dung mới bám theo thực tiễn họ mới có hứng thú đi học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đồng tình với những ý kiến cho rằng chương trình bồi dưỡng hiện còn chưa xuất phát nhu cầu người học với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, các trường phụ trách đào tạo cán bộ quản lí giáo dục cần phát huy hết vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, gắn với thực tiễn nhiều hơn nữa.
Chuẩn hóa cán bộ quản lí giáo dục là việc cấp thiết và cũng là lâu dài với hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó Bộ sẽ chú trọng giải pháp đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên.
"Đã là cán bộ quản lí giáo dục thì phải có giải pháp tự học, tự đổi mới" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
- Văn Chung