





Bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ năm 2017, từ đó đến nay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho chuyển đổi số với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp số. Các giải pháp công nghệ mới được đầu tư đã tạo ra mô hình kinh doanh số sáng tạo, dẫn dắt thị trường trong vai trò, vị thế dẫn đầu.


Với cách tiếp cận như vậy, MB trở thành ngân hàng tiếp cận nền tảng số khá sớm ở Việt Nam, từ 6 - 7 năm trước. Sự đầu tư đó đã đem lại trái ngọt khi MB nằm trong nhóm tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường hiện nay.
Cũng hiếm có một tập đoàn tài chính nào có được hệ sinh thái đầy đủ như MB Group, như: Ngân hàng (MB, MBV, MB Campuchia), Bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas), Bảo hiểm phi nhân thọ (MIC), Quản lý quỹ (MB Capital), Quản lý nợ và khai thác tài sản (MB AMC), Chứng khoán (MBS), Tài chính tiêu dùng (Mcredit).
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào 26/4 tới đây, HĐQT sẽ trình cổ đông việc thành lập, mua lại các tổ chức, công ty con, công ty liên kết, quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số, kinh doanh số, tài sản số và hoạt động có liên quan.
Chia sẻ về việc này, ông Lưu Trung Thái cho hay: “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà là trách nhiệm chung của mọi thành phần kinh tế. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đang tiếp tục được hoàn thiện để thể chế hóa chủ trương này, chúng tôi đề xuất ĐHĐCĐ thông qua phương án cụ thể, nhằm chủ động xây dựng lộ trình đầu tư cho công nghệ, bao gồm việc nghiên cứu hình thành Quỹ công nghệ và các quỹ phát triển phù hợp với đặc thù ngân hàng Quân đội.”
Theo ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB, với sự đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua, ngân hàng dự kiến năm 2025 doanh thu phát sinh từ kênh số sẽ đóng góp khoảng 40% trong tổng doanh thu, năm 2026 tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%. Thậm chí, một số mảng kinh doanh, như mảng bán lẻ, được đặt mục tiêu rất cao, lên đến 70% doanh thu đến từ kênh số.
Tuy nhiên, khi mọi giao dịch được đưa lên môi trường số, câu chuyện về an ninh mạng ngày càng được quan tâm, đây cũng là câu chuyện khiến mọi tổ chức tín dụng phải đặc biệt quan tâm.
“Với 30 triệu khách hàng hiện hữu, trong đó có đến 98.6% khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số, Câu chuyện về an ninh mạng giờ đây không phải là có cần thiết hay không, mà là câu chuyện bắt buộc”, ông Vũ Thành Trung cho hay.


Thứ nhất, tất cả các dự án CNTT phải song hành với an ninh mạng. Từ tháng 7/2024, ứng dụng di động (app) MB có chức năng quét các app giả mạo. Theo đó, nếu điện thoại có cài đặt phần mềm giả mạo chứa mã độc, MB sẽ tự động ngắt kết nối, khách hàng sẽ nhận được thông báo về việc thiết bị di động của họ đang có phần mềm giả mạo. Đến nay, MB đã chặn được 99% các app giả mạo trên hệ điều hành android.
Trụ cột thứ hai là hệ thống giám sát, kiểm soát rủi ro bằng AI. Hệ thống này ngày càng được MB đầu tư lớn, trong bối cảnh mỗi ngày có tới 20 triệu người sử dụng app MB.
Hệ thống giám sát giao dịch bằng AI được MB triển khai từ năm 2024, ngay trong 3 tuần đầu tiên đã phát hiện và ngăn chặn 2.700 giao dịch nghi ngờ gian lận, lừa đảo. Đến nay, mỗi bình quân mỗi tháng hệ thống này phát hiện và ngăn chặn khoảng 1.000 giao dịch đáng ngờ với số tiền khoảng trên dưới 30 tỷ đồng.
“Với khối lượng dữ liệu rất lớn, không có cách nào làm thủ công và hậu kiểm, bởi hậu kiểm chỉ sau vài phút là tiền trong tài khoản của khách hàng đã bị các đối tượng lừa đảo chuyển đi, nên chỉ có thể chặn giao dịch theo thời gian thực”, ông Vũ Thành Trung nói.
Trụ cột thứ ba, theo ông Trung là hợp tác chia sẻ với các cơ quan chức năng. Tháng 7/2024 MB hợp tác với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, để chia sẻ danh sách những tài khoản đã phát sinh lừa đảo hoặc nghi ngờ lừa đảo.
“Trước khi chuyển tiền, chúng tôi phát hiện tài khoản nào có trong danh sách đen thì sẽ lập tức cảnh báo cho khách hàng, thậm chí tạm dừng giao dịch đối với những tài khoản được chúng tôi xác định là lừa đảo”, Phó Chủ tịch MB Vũ Thành Trung nói.
Những tài khoản đáng ngờ sau khi bị phát hiện sẽ được chuyển cho Bộ Công an. Ngược lại phía Bộ Công an cũng cung cấp cho ngân hàng danh sách “đen” các tài khoản nghi ngờ lừa đảo, để hai bên đối soát dữ liệu.
Trụ cột thứ tư, cũng là trụ cột quan trọng nhất về an ninh mạng tại MB là đầu tư cho con người. Các nhân sự hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tại MB được ngân hàng “săn đón” từ khi còn là sinh viên đại học.




Với các khách hàng của MB, nếu để ý sẽ thấy app của ngân hàng này không đơn thuần chỉ là app được thiết kế dành riêng cho khách hàng và ngân hàng, đó còn là nền tảng để các đối tác của MB cùng tham gia, từ đó phát sinh doanh thu cho cả MB và đối tác.
“Tư duy của MB là tư duy nền tảng, ở đó không phải là nơi cung cấp dịch vụ mà là nơi cung cấp trải nghiệm, bao gồm cả việc cung cấp sinh kế cho các đối tác của MB”, ông Vũ Thành Trung nói.
Tư duy này gần như xuyên suốt mọi hoạt động của MB, chẳng hạn như với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 24% và năm 2026 là 35%, theo ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB, ngân hàng sẽ dành 50% tín dụng cho bán lẻ. 50% còn lại dành cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Vấn đề của doanh nghiệp siêu nhỏ là tính rủi ro cao, chi phí lớn vì nhóm khách hàng này thường vay nhỏ lẻ. Tuy nhiên dựa trên nền tảng dữ liệu, ngân hàng sẽ có được sự lựa chọn nhóm khách hàng phù hợp, ít rủi ro, để đảm bảo được hệ số rủi ro cho ngân hàng. Đây cũng là một trong những thành quả từ việc chuyển đổi số.


Với hơn 30 triệu khách hàng, hiện nay khách hàng của MB hoàn toàn có thể đăng ký vay tự động khi chúng tôi có nền tảng vay vốn tự động và giải ngân tự động”.
Hiện MB đang thử nghiệm một số mô hình cho vay ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, giảm chi phí cho vay với những người yếu thế trong xã hội theo chỉ đạo của NHNN. Muốn vậy, ngân hàng phải có dữ liệu và các mô hình kinh doanh mới.
Chia sẻ thêm về trách nhiệm xã hội, ông Phạm Như Ánh cho biết MB đang là ngân hàng dẫn đầu trong cho vay tín dụng xanh, với tỷ trọng xanh chiếm khoảng 8% quy mô dư nợ toàn hàng.
“Việc cho vay tín dụng xanh không đơn thuần là lợi nhuận, mà còn gắn với trách nhiệm xã hội: mang lại giá trị cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững”, Tổng Giám đốc MB khẳng định. Ngoài ra, hằng năm MB đều trích 1 phần lợi nhuận để thực hiện trách nhiệm xã hội. Năm 2024 MB đã đóng góp gần 400 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong đó hơn 150 tỷ đồng thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
Năm 2025, nhà băng này tiếp tục thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên quy mô lớn. Đồng thời thực hiện một chương trình rất lớn là HiGreen Trường Sa với mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại Trường Sa.
“MB xác định đây là không phải là lựa chọn dễ dàng bởi điều kiện tự nhiên ở Trường Sa rất khắc nghiệt: nắng gắt, gió lớn, nước ngọt khan hiếm, vận chuyển phức tạp và phù thuộc nhiều vào thời tiết., việc khó mình không làm thì ai sẽ làm việc khó đây? MB không ngại việc khó”, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh nói.
Theo ông Ánh, chính trong gian khó sẽ giúp MB trưởng thành hơn, tinh thần MB càng được hun đúc - tinh thần không ngại đi xa, không ngại làm khó, để cống hiến lớn hơn cho đất nước.
Nói về các chương trình như Xoá nhà tạm, trồng 1 triệu cây xanh ở Trường Sa, tài chính bền vững, an toàn cho mọi khách hàng… Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết, MB xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm của MB với khách hàng, với cộng đồng - xã hội, với môi trường cũng như trọng trách được Bộ Quốc phòng phân công.
Thu Loan(thực hiện)