Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa chứng kiến một cú giảm sàn trong phiên ATC mất gần 7% ngay trong bối cảnh các cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp này được mua khối cổ phần trị giá gần 85 tỷ đồng với số tiền xấp xỉ 22 tỷ đồng (chênh lệch 63 tỷ đồng so với giá trị thật cổ phiếu PNJ).

Trong phiên giao  dịch 10/12, PNJ giảm 6,9% xuống 73.000 đồng/cp. Cú giảm sốc này khiến vốn hóa của doanh nghiệp tụt giảm 1.240 tỷ đồng. PNJ cũng giảm trong bối cảnh cổ phiếu này tăng giá mạnh trong hơn 4 tháng qua, từ mức 50.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 lên mức 78.500 đồng/cp.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, PNJ công bố kế hoạch phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên. Lượng cổ phần phát hành thêm bằng khoảng 1,03% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận được mua 257.600 cổ phần theo chương trình ESOP của công ty với giá 20.000 đồng/cp trong khoảng thời gian từ 4/12 đến ngày 25/12. Sau giao dịch, sẽ nâng số lượng cổ phần PNJ đang sở hữu lên gần 20,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,1365% vốn điều lệ.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - Thành viên HĐQT PNJ (con gái của bà Cao Thị Ngọc Dung) cũng được mua 25.000 cổ phiếu ESOP. Nếu giao dịch thành công, bà Thảo sẽ nâng số lượng cổ phần PNJ đang sở hữu lên hơn 5,76 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,54% vốn điều lệ của công ty.

Tổng giám đốc Lê Trí Thông cũng được mua 213.000 cổ phiếu PNJ với giá 20.000 đồng/cp.

Cú sụt giảm giá khiến các cổ đông, trong đó có cả chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và Tổng Giám đốc Lê Trí Thông, mất tổng cộng 1.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là một phiên điều chỉnh khi mà cổ phiếu này tăng tới 57% trong vài tháng.

{keywords}
Bà Cao Thị Ngọc Dung.

Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP để thưởng cho cán bộ, nhân viên đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong tháng trước, HĐQT Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, GEX) công bố kế hoạch bán 12 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 2,55% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên, trong đó 7 triệu cổ phiếu được bán cho 7 lãnh đạo chủ chốt, với giá 12.000 đồng/cp - thấp hơn so với thị giá khi đó là 20.000 đồng/cp.

Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng đã hoàn tất phát hành 5,7 triệu cổ phiếu ESOP hồi tháng 8 để tăng vốn từ 11.689 tỷ lên 11.747 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp như Novaland (NLV), VPBank, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG)… cũng phát hành hàng chục triệu cổ phiếu ESOP mỗi lần.

Hành hành cổ phiếu ESOP là hoạt động khá bình thường trên các thị trường chứng khoán quốc tế cũng như Việt Nam.

Cổ phiếu ESOP là một hình thức ưu đãi đối với những nhân viên có nhiều thành tích và cống hiến cho sự phát triển của công ty. Mục tiêu lớn nhất của phát hành cổ phiếu ESOP là giữ chân nhân tài, khuyến khích họ nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông. Thông qua ESOP, nhân viên được khuyến khích thay đổi tâm thế làm việc, từ tư cách của “người làm thuê” sang tư cách của “người làm chủ”…

Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến quyền lợi của các cổ đông. Vì nguồn lực để thực hiện chiến lược ưu đãi được lấy từ tài sản của công ty, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu ESOP được phát hành.

Vấn đề nhiều người quan tâm là số lượng, tỷ trọng và giá phát hành. Trong một số trường hợp có thể dẫn tới xung đột lợi ích và có thể gây ra phản ứng thái quá trên thị trường.

Việc phát hành cổ phiếu ESOP có xu hướng nhiều hơn trong vài năm gần đây và giá phát hành thường thấp hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu. Về bản chất, phát hành cổ phiếu ESOP là lấy tiền của cổ đông chia lại cho lãnh đạo và một số người lao động. Mức chênh lệch quá nhiều, lên tới cả ngàn tỷ đồng khiến nhiều NĐT cảm thấy lo lắng.

Hơn thế, các chương trình ESOP thường chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ cán bộ cấp cao. Như trường hợp những đợt phát hành cổ phiếu ESOP của Techcombank trong vài năm gần đây cũng chỉ dành cho tỷ lệ nhân sự rất nhỏ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 11/12, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và giữ được ngưỡng 1.030 điểm.

Theo Rồng Việt, VN-Index đảo chiều điều chỉnh sau phiên vượt ngưỡng 1.036 điểm. Chỉ số lùi lại gần 1.030 điểm và thanh khoản tăng so với phiên trước, đây được xem là một phiên phân phối. Như vậy, VN-Index đã có 4 phiên phân phối, trong đó có 3 phiên phân phối nhẹ và phiên phân phối khá mạnh trong hôm qua. Hiện tại, vùng quanh 1.030 điểm vẫn đang có tác dụng hỗ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, nếu thị trường chuyển qua trạng thái điều chỉnh trong thời gian gần tới thì cũng không quá bất ngờ do thị trường đã ở trạng thái quá mua trong vài phiên gần đây và cần nhịp điều chỉnh để tìm lại vùng cân bằng. Do vậy,  nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và quan sát thị trường, nếu tín hiệu hỗ trợ trong 1-2 phiên sắp tới không đủ mạnh thì cũng nên hạ tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/12, VN-Index giảm 8,22 điểm xuống 1.030,91 điểm; HNX-Index tăng 0,56 điểm lên 159,3 điểm. Upcom-Index giảm 0,56 điểm xuống 68,71 điểm. Thanh khoản đạt 14,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà