Tờ New York Times đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã "giận dữ một cách khác thường" và mắng mỏ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một bữa tiệc tối kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, sau khi ông Macron công khai bình luận NATO "chết não".
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trao đổi riêng với Tổng thống Pháp Emmanuel tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Romania tháng 5/2019. Ảnh: France24 |
Theo tờ báo, bà Merkel, một trong những chính khách quyền lực nhất thế giới tỏ ra bất bình với lãnh đạo Pháp, người cũng tình cờ là nguyên thủ duy nhất đã bỏ phiếu phủ quyết việc bắt đầu các cuộc đàm phán xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Bắc Macedonia.
"Tôi hiểu mong muốn của ngài về chính trị gây rối. Nhưng tôi mệt mỏi với việc phải nhặt nhạnh các mảnh vỡ. Hết lần này đến lần khác, tôi phải dính lại những chiếc chén mà ngài đã làm vỡ để chúng ta có thể ngồi xuống và uống một tách trà cùng nhau", người đứng đầu chính phủ Đức nói.
Đến lượt mình, Tổng thống Pháp phản biện rằng, ông không thể hướng tới cuộc họp tiếp theo của NATO diễn ra bên ngoài London, trong khi vẫn im lặng về các hành động của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. "Tôi không thể ngồi đó và cư xử cứ như là chưa có gì từng xảy ra", ông Macron nhấn mạnh.
Trước cuộc đấu khẩu, bà Merkel từng công khai phản đối cách ông Macron mô tả NATO là "chết não". Nữ thủ tướng Đức cho rằng người đứng đầu Paris đã dùng các từ ngữ gây sốc để bày tỏ quan điểm của mình. Bà Merkel giải thích: "Đó không phải là cách tôi nhìn nhận về thực trạng hợp tác tại NATO. NATO vẫn là nền tảng an ninh của châu Âu".
Theo Claudia Major, một nhà phân tích an ninh tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức, chuyên gia này chưa từng chứng kiến mối quan hệ Pháp - Đức lại xấu đi trong một thời gian rất dài đến như vậy, với rất nhiều hiểu lầm và sự cay đắng.
Mặc dù bà Merkel trước đây từng ủng hộ ông Macron thúc đẩy ý tưởng thành lập một quân đội chung của châu Âu và tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhưng một quan chức cấp cao Pháp tiết lộ với tờ New York Times rằng, Tổng thống Pháp đã hiểu lầm đối tác Đức khi ông hy vọng bà sẽ hành động để tạo ra di sản lịch sử lâu dài vì một châu Âu thống nhất trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình.
Ông Macron được cho đã "cảm thấy gần như bị phản bội", vì trong khi ông đang cố gắng thúc đẩy các đề xuất chiến lược, bà Merkel lại hành động thận trọng do sự bất hòa trong chính phủ liên minh tại Đức.
Tổng thống Pháp tỏ ra "ngày càng mất kiên nhẫn" khi ở Đức, các chính khách thuộc đảng Dân chủ xã hội đang ngăn chặn các kế hoạch an ninh của ông trong khi đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel cũng cản trở một cải cách ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone).
Thông tin về cuộc khẩu chiến giữa lãnh đạo Đức - Pháp được công bố đúng vào lúc giới chức NATO đang phải chật vật chuẩn bị một tuyên bố chung trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức, trong đó có nội dung khuyến nghị các nước đồng minh tăng thêm chi tiêu quốc phòng.
Trong khi Pháp đang khăng khăng vạch ra một đánh giá chiến lược mới về nhiệm vụ của NATO với lí do phiên bản năm 2010 đã trở nên lỗi thời, hầu hết các thành viên khác lại muốn trì hoãn cuộc tranh luận về vấn đề cơ bản này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Ngoài ra, các đồng minh cũng lo ngại việc tổng thống Pháp đang cân nhắc đề xuất xây dựng một hệ thống răn đe hạt nhân ở châu Âu để ít phụ thuộc vào Mỹ hơn. Trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng cảnh báo việc làm suy yếu NATO sẽ là sai lầm. Ông Maas tin, nếu không có Mỹ, cả Đức và châu Âu đều không thể bảo vệ họ hiệu quả.
Tuấn Anh