“Không chỉ nhân dân mà các cấp lãnh đạo và toàn xã hội đều thấy những tồn tại nhức nhối cần thay đổi… Nhưng có cái khó khác không đến từ sự “nhạy cảm” về chính trị” – TS Đặng Kim Sơn nói về sự cần thiết của một cuộc đổi mới nông nghiệp tiếp theo.

>> Xem lại Kỳ 1: ‘Cột thu lôi’ giữ Việt Nam ổn định

>> Xem lại Kỳ 2: VN bất đắc dĩ làm ‘nghĩa vụ quốc tế’ vì… lạc hậu

LTS: Kỳ 1 Tọa đàm đã chỉ ra vai trò tiên phong của nông nghiệp trong Đổi mới, cũng như những thành tựu đạt được. Kỳ 2 đề cập những thách thức mà nền nông nghiệp và người nông dân phải đối mặt. Trong Kỳ 3 này, các chuyên gia thảo luận nhu cầu bức thiết của Đổi mới lần 2 trong Nông nghiệp, những việc trọng yếu cần thực hiện cũng như lường trước các trở ngại.

Trân trọng giới thiệu hai khách mời của Tọa đàm:

- TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyên gia chính sách nông nghiệp.

- PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn, chuyên gia nông nghiệp.

Đổi mới lần thứ 2?

Nhà báo Duy Chiến: Quả thật, những diễn biến trong lĩnh vực nông nghiệp gần đây đang là mối quan tâm, ưu tư của cả xã hội cũng như các cơ quan hữu trách. Thưa TS. Đặng Kim Sơn, liệu rồi nông nghiệp có còn giữ được vai trò trụ đỡ như hơn 30 năm qua?

{keywords}
TS. Đặng Kim Sơn. Ảnh: VnExpress

TS. Đặng Kim Sơn: Nông nghiệp đã đổi mới thành công và đạt được những thành tựu quan trọng trong 30 năm qua. Và nông nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy đất nước đi lên trong giai đoạn mới.

Nông nghiệp là lĩnh vực mở đường, là nền tảng vững chắc cho kinh tế phát triển. Trước đây đã có lúc công nghiệp gặp vấn đề, ta khắc phục được. Có lúc thương mại gặp vấn đề, ta cũng khắc phục được, rồi dịch vụ gặp vấn đề, cũng đã khắc phục được! Nhưng nếu nông nghiệp mà gặp vấn đề, thậm chí chỉ cần tăng trưởng chậm lại, cả nền kinh tế sẽ bị chậm. Nếu nông nghiệp rung rinh, nứt vỡ thì cả nền kinh tế sẽ sụp đổ, xã hội lung lay.

Đây là tình trạng đã từng xảy ra ở Việt Nam và nhiều nước khác. Cho nên chúng ta không những không được phép để nông nghiệp tăng trưởng chậm, mà phải giữ cho nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển tốt hơn.

Và, suy cho cùng thì chính nông nghiệp và con người là lợi thế của nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Ta không thể bỏ qua lợi thế của mình. Đó cũng là sứ mệnh và vai trò của nông nghiệp trong giai đoạn mới của đất nước!

Vấn đề là tăng thế nào? Sản xuất của chúng ta có vẻ thừa vì xưa nay ta nhắm vào thị trường dễ tính, thị trường chất lượng thấp, giá rẻ. Giờ chúng ta phải hướng tới cả thị trường khó tính, chất lượng cao, giá cao. Đây chính là tiền đồ của nền NNVN vào giai đoạn mới.

Hiện nay, kinh tế thế giới đang hồi phục và phát triển. Tương lai, loài người có hai thứ tăng mạnh cả dân số và thu nhập. Ở VN, mỗi năm có hàng triệu người bước vào giới trung lưu. TQ có hàng chục triệu người. Nếu tính cả Ấn Độ, Đông Nam Á và cả châu Á là vùng phát triển kinh tế năng động nhất thế giới thì mỗi năm, tại châu Á – Thái Bình dương, có hàng trăm triệu người gia nhập giới trung lưu.

Trên thế giới, dân số đô thị đã vượt quá 50%. Xu hướng dân số đô thị ngày càng tăng, dân số nông thôn ngày càng giảm. Như vậy, thị trường đang chuyển qua thị trường của thị dân, thị trường của người giàu có, người có tiền.

Họ không ăn nhiều gạo, ngô mà chuyển qua ăn thịt, cá. Cá thì họ chuyển sang ăn đồ biển nhiều hơn. Thịt thì chuyển sang ăn gia cầm, thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu và sữa. Trong đồ dùng thì họ bớt dùng đồ sắt, plastic mà chuyển qua dùng đồ gỗ, đồ da, giấy v.v… Nghĩa là, nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp cao cấp hơn. Con người sẽ dùng hoa, dược phẩm và đi du lịch ngày càng nhiều.

Như vậy, kết cấu của nông nghiệp đòi hỏi phải chuyển hướng khác hoàn toàn về chủng loại và chất lượng, có giá trị gia tăng cao hơn. Nghĩa là, nếu 1 ha trồng lúa thu nhập được 1 thì chuyển qua trồng rau thu nhập được 3-4; 1 ha cây ăn quả thu nhập được 4-5 chuyển qua trồng thuốc, hoa, năng lượng sinh học được gấp hàng chục lần. Nhu cầu lương thực vẫn còn nhưng giảm đi nhiều. Đây là nền nông nghiệp khác biệt hẳn nền nông nghiệp hiện tại và cũng là thách thức rất lớn để có được thay đổi như thế.

Nhà báo Duy Chiến: Với sứ mệnh vô cùng quan trọng, nền nông nghiệp của chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn phải vượt qua, chuyển hóa hoàn toàn về chất, kết cấu, chiến lược sản phẩm và thị trường. Với những định hướng phát triển như TS. Đặng Kim Sơn vừa đề cập, dường như chúng ta hình dung đó sẽ là cuộc Đổi mới lần thứ 2 của nông nghiệp. Vậy các bước tiếp theo là gì, thưa TS. Đặng Kim Sơn?

TS. Đặng Kim Sơn: Muốn đạt được mục tiêu theo định hướng phát triển trên thì trước hết phải thực hiện thành công tiến trình mà chúng ta đang gọi là “Tái cơ cấu nông nghiệp”. Có ba nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, phải làm ngay và làm cho được là mở cửa thị trường. Đầu tiên là mở cửa thị trường cho những nông sản hiện chúng ta đang có trong tay, đang dư thừa, thị trường cũ quen thuộc. Sau đó là mở cửa cho thị trường mới là những thị trường khó tính hơn nhưng sẵn sàng trả giá cao hơn và mở ra sức mua mới. Phải làm cho được. Đây là việc làm rất khó, vượt ra ngoài phạm vi của ngành nông nghiệp, liên quan đến cả các ngành công thương, ngoại giao, giao thông...

Thứ hai, song song với quá trình mở ra thị trường mới thì phải tiến hành thay đổi quan trọng bên trong ngành nông nghiệp. Thị trường mới cần loại nông sản mới. Muốn vậy, đầu tiên phải đột phá về KHCN. Đầu vào của nền nông nghiệp cũ là đất, nước, lao động, vật tư… Tất cả những thứ này đã chạm tới giới hạn. Riêng vật tư thì phải bớt đi chứ không thể giữ mức cao như hiện nay. KHCN khác với những đầu vào truyền thống, có thể đầu tư vô tận nếu chúng ta biết sử dụng.

Toàn bộ hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đầu tư… đều phải dựa vào KHCN. Đây là những thứ không có sẵn ở VN nên sẽ là bước đột phá rất lớn.

Thứ ba, để làm được những việc như trên, điều quan trọng là phải thay đổi chính sách và tổ chức sản xuất, trong đó, quan trọng nhất là tổ chức. Phải thay đổi cách thức làm việc giữa con người với con người, cách thức tổ chức lại các trang trại, gắn kết trang trại với nhau thành HTX; gắn kết DN với nhau thành hiệp hội; gắn kết hiệp hội của DN với HTX của nông dân thành chuỗi giá trị. Tất nhiên cách thức quản lý của nhà nước cùng phải thay đổi trong mô hình mới.

Việc xây dựng cách thức làm ăn mới, luật chơi mới này chúng ta có thể gọi chung là “Đổi mới thể chế”.

Chỉ tái cấu trúc là chưa đủ

PGS.TS. Vũ Trọng Khải: Theo tôi, nếu chỉ “tái cấu trúc nông nghiệp” thì chưa đủ để thay đổi một cách căn cơ, tạo ra chuyển hóa mạnh mẽ như yêu cầu phát triển. Quá trình này cần phải tạo ra yếu tố mới, kết hợp chúng với nhau trong một chỉnh thể mới, vận hành theo cơ chế quản lý phù hợp với cấu trúc của nó, tạo ra những thuộc tính khác hẳn về chất, vốn không hề có trong chỉnh thể cũ.

{keywords}
PGS. TS Vũ Trọng Khải 

Chất lượng của chỉnh thể mới sau khi xây dựng lại được thể hiện bằng những tiêu chí phản ánh mục tiêu của nó. Đó chính là tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

Cho nên, chính xác là phải xây dựng lại nền nông nghiệp chứ không chỉ “tái cấu trúc”, tức là chỉ sắp xếp một cách hợp lý hơn những yếu tố cấu thành vốn có.

Xây dựng lại nền nông nghiệp phải bắt đầu từ chiến lược và quy hoạch phát triển. Trong đó phải xây dựng lại chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, từng vùng, tiểu vùng sinh thái căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa trên lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của từng vùng.

Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng từ thủy lợi, giao thông, bến cảng, kho tàng, các cơ sở logistic (hậu cần)… trên phạm vi cả nước và từng vùng.

Song song với quá trình trên là phải thiết lập chiến lược phát triển KHCN và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị nông thôn theo quy hoạch vùng.

Mặt khác, chúng ta phải xây dựng nền nông nghiệp thể chế. Tức áp dụng phổ biến mô hình quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản từ trang trại đến bàn ăn hay xuất khẩu đến mạn tàu. Tổ chức lại nền SXNN theo hợp đồng ở mỗi vùng và tiểu vùng sinh thái. Trong đó vai trò của DN phải là “nhạc trưởng” tổ chức lại sản xuất theo hợp đồng, quản lý chuỗi giá trị ngành hàng, cùng với các trang trại, HTX thiết lập cơ chế phân chia trách nhiệm và lợi ích. Đây chính là cơ sở kinh tế tạo ra tính bền vững của mối liên kết này...

Nhà báo Duy Chiến: Như vậy, vai trò của người nông dân cũng rất khác trước. Nếu như ở lần Đổi mới thứ nhất, hộ nông dân là đơn vị tự chủ, độc lập thì nay hộ nông dân là một bộ phận của chuỗi ngành hàng?

PGS.TS. Vũ Trọng Khải: Người nông dân dù có giỏi đến đâu cũng không thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh toàn cầu nếu không tham gia chuỗi giá trị ngành hàng!

Về mặt pháp lý, hộ nông dân là đơn vị tự chủ kinh doanh, có toàn quyền sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, giá cả ra sao, bán cho ai. Nhưng về mặt kinh tế, nông dân, hộ nông dân, trang trại phải là đơn vị gia công cho DN, nằm trong mạng lưới của DN. Đây là thực tế mà ít người thấy và ít đề cập đến.

{keywords}
Nông nghiệp là trụ đỡ cho sự ổn định xã hội. Ảnh minh họa: Văn Trị/ Phân xã Đồng tháp

Đổi mới 2.0: Khó không chỉ ở lập trường, quan điểm

Nhà báo Duy Chiến: Theo quy luật của sự phát triển, cái mới tiến bộ xuất hiện để thay thế cái cũ nhưng bao giờ cũng vấp phải sự chống trả, cản trở. Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ 30 năm trước cũng vậy, với nông nghiệp, bắt đầu từ đột phá tư duy, điểm chạm là HTX. Với cuộc “Đổi mới lần thứ hai” này, sẽ có những thách thức khó khăn như thế nào?

TS. Đặng Kim Sơn: Cuộc cải cách mạnh mẽ nông nghiệp lần này cũng giống lần trước từ điểm khởi đầu là những đụng chạm đến đột phá tư duy. Đó chính là cái mà chúng ta hay gọi bằng những cái tên như “quan điểm”, “lập trường”, “cách nghĩ”…

Cuộc đột phá lần trước diễn ra trong bối cảnh toàn bộ nhân dân đã thấy hết sự thật là phải vượt qua khuôn khổ HTX ra để đưa ruộng đất, TLSX về cho nông dân. Trong hệ thống chính trị có người thấy nhưng nhiều người không. Họ sợ rằng chuyển từ làm ăn tập thể sang cá thể thì sẽ vỡ mất nền tảng căn bản của CNXH. Cuối cùng việc này chỉ làm được sau hàng chục năm.

Lần này cũng có những vấn đề tranh cãi không kém phần gay gắt, quyết liệt như thực hiện sở hữu toàn dân đất đai như thế nào trong quan hệ với quyền sử dụng đất đa dạng, vai trò kinh tế nhà nước tới đâu trong quản lý doanh nghiệp… Chính những tư duy cũ đã làm chậm đi quá trình cổ phần hóa DNNN, làm chậm đổi mới các nông lâm trường quốc doanh.

Song nhìn chung thì lần này đã có sự đồng cảm rộng hơn. Và quan trọng là không chỉ nhân dân mà các cấp lãnh đạo và toàn xã hội đều thấy những tồn tại nhức nhối cần thay đổi.

Nhưng có cái khó khác không đến từ sự “nhạy cảm” về chính trị. Nếu như lần trước tất cả mọi người đều nghèo, cả XH bị dồn vào thế bế tắc, không lối ra, nhất là khi phe XHCN không còn, nước ta lại bị cấm vận, mới bước ra khỏi nhiều cuộc chiến tranh, thì mọi người ai cũng thấy Đổi mới là lối thoát. Còn bây giờ đã bước vào cơ chế thị trường, đã có sự phân hóa giữa nhiều thành phần, lợi ích khác nhau nên đã xuất hiện sự xung đột, mâu thuẫn về kinh tế gay gắt. Như đã đề cập ở phần trước, dù xung đột lợi ích là điều tất yếu trong cơ chế thị trường nhưng nó sẽ làm khó khăn và tác động đến tiến trình Đổi mới.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các nhóm lợi ích bên trong và bên ngoài là điều cần quan tâm, đòi hỏi chúng ta phải sắc sảo, nhạy bén và quyết tâm đổi mới.

Nhà báo Duy Chiến: Xin chân thành cảm ơn PGS. TS. Vũ Trọng Khải và TS. Đặng Kim Sơn đã tham gia cuộc tọa đàm của Tuần Việt Nam! Hy vọng chúng ta sẽ có dịp thảo luận tiếp những vấn đề mà do thời gian eo hẹp chưa thể đề cập đầy đủ trong lần gặp gỡ này.

Xem các tọa đàm khác trong mạch bài Nhìn lại 30 năm Đổi mới:

Tọa đàm Đổi mới Giáo dục:

Tọa đàm Đổi mới Doanh nghiệp:

Tọa đàm Đổi mới Thể chế: