Nhận định trên được ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Hành chính, Văn phòng Chính phủ, đưa ra tại buổi ra mắt Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số (giai đoạn 1) vào ngày 28/9.
Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số bước đầu làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của thành phố từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin, tương tác theo thời gian thực.
UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì và các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nỗ lực rút ngắn từ 120 ngày xuống còn 45 ngày để hoàn thành hệ thống.
Đây là hệ thống được xây dựng dưới kiến trúc mở, sẵn sàng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết. Dữ liệu được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu thành phố, đảm bảo an toàn thông tin.
Hệ thống có 3 chức năng chính gồm: Tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, kết quả bộ chỉ tiêu điều hành; điều hành, quản trị; giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi ra mắt, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Hành chính, Văn phòng Chính phủ chia sẻ, với việc ra mắt Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số cho thấy lãnh đạo các cấp chính quyền thành phố đã rất quyết tâm, điều đó thể hiện trong việc tạo mọi điều kiện để hệ thống rút ngắn thời gian hoàn thành từ 120 ngày còn 45 ngày.
Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM luôn mong muốn thành phố phải đi đầu trong cả nước về cải cách hành chính, vì thế, hệ thống cần được vận hành sớm và đưa vào sử dụng ngay.
Theo ông Ngô Hải Phan, xây dựng hệ thống đã khó, duy trì hệ thống càng khó hơn và ở đây khó nhất là giải quyết vấn đề người dùng. Bởi nếu lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành không sử dụng, không khai thác thì sẽ không có dữ liệu đầu vào và như thế không chỉ đạo được.
Vì thế, thay vì thụ động, mỗi người lãnh đạo các cấp của TP.HCM cần chủ động sử dụng hệ thống, đây mới là yếu tố quan trọng đem đến thành công.
Đại diện Cục Kiểm soát Hành chính cho biết, hệ thống rất quan trọng nhưng cần xác định chỉ là công cụ, sau công cụ là con người, đằng sau nền tảng hệ thống là những dữ liệu, thành phố phải chuyển được từ giấy qua dữ liệu số để luân chuyển, chia sẻ và kết nối.
Chính vì thế, hạ tầng phải đảm bảo liên thông thông suốt ở các cấp chính quyền. Việc TP.HCM sử dụng chung một nền tảng hệ thống là rất thành công. Tuy nhiên, cũng cần xác định nhu cầu sử dụng hệ thống là gì, từ nhu cầu của lãnh đạo thành phố đến các sở, ban, ngành và nhu cầu của toàn xã hội, để đưa ra các đầu bài cho bộ phận giúp việc triển khai biến nó thành công cụ hữu ích.
Điều quan trọng là muốn hệ thống vận hành, phải có hệ thống thể chế tương tác trên môi trường số, nếu vẫn duy trì các quy chế, các quy định cũ trên môi trường giấy, như quy định bao nhiêu ngày mới phải nộp báo cáo thì sẽ khó thành công.
Cho nên, TP.HCM cần tập trung ngay vào việc rà soát, đánh giá lại và phải xây dựng hệ thống quy chế, công cụ cho việc chỉ đạo điều hành trên môi trường số dựa trên dữ liệu.
Ngoài ra, TP.HCM cần tiếp tục phát triển hệ thống theo từng giai đoạn, phải thêm các mô hình dự báo cho thành phố về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng hay trong bối cảnh có dịch bệnh như Covid-19 vừa qua.
Đồng thời, cần đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống trong và ngoài TP.HCM, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Chính phủ và dưới Chính phủ…
Trong bối cảnh hiện đại hoá nền hành chính, ông Ngô Hải Phan cho rằng, đây là công việc quan trọng thể hiện tiền đề thực hiện thành công việc chuyển đổi số tại thành phố cũng như đóng góp cho chuyển đổi số thành công của Chính phủ.
Với sự quan tâm của địa phương, hệ thống nên trở thành nhu cầu thiết yếu, là "bữa ăn" hàng ngày cho các lãnh đạo, chính quyền các cấp thành phố, đáp ứng nhu cầu của thành phố và từng bước hướng tới thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đánh giá về sự ra đời của Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành Uỷ TP.HCM cho rằng, đây là bước tiến đáng trân trọng, ghi nhận dấu ấn đúng theo tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Theo ông, hiện chủ trương đã có và việc ra đời hệ thống đã đi được một bước, bước tiếp theo Sở TT&TT TP.HCM cần nghiên cứu, đưa ra các đề xuất cụ thể như Đảng cần làm gì, HĐND cần có quyết sách gì và UBND cần chỉ đạo gì.
Bí thư Thành Uỷ TP.HCM Nguyễn Văn nên cho rằng, thử thách lớn nhất là thử thách chính mình, chính là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Trong đó, trước hết là đội ngũ lãnh đạo TP.HCM, ai làm tốt sẽ được tăng cường trải nghiệm, giám sát thường xuyên hơn, minh bạch hơn, kịp thời hơn, còn ai không đặt cái chung lên trên, phục vụ người dân lên trên sẽ gặp khó khăn.
Theo ông, hệ thống sẽ giúp cho chính các lãnh đạo thành phố điều chỉnh hành vi của mình, nhằm thực hiện mục tiêu chung, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đây là điểm mấu chốt mà thành phố mong muốn.