20 tuổi có nhà lầu xe hơi, sở hữu công xưởng với hàng trăm đầu máy, những người trẻ ở làng "mổ xe", xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc khiến không ít người ngưỡng mộ.
Giám đốc tuổi 20
8g sáng, cả xã Tề Lỗ sầm uất như một đại công trường khổng lồ. Những chiếc xe ô tô cũ kỹ mang đủ biển số từ Nghệ An, Thanh Hóa, đến Lào Cai, Quảng Ninh... lần lượt nối đuôi nhau kéo về làng.
Tiếng chát chúa, xoèn xoẹt của máy móc lẫn tiếng người kì kèo bán mua tạo thành không khí ồn ào, tấp nập kéo dài từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Đi từ đầu đến cuối làng, hai bên đường chất ngổn ngang từ sắt vụn, linh kiện hỏng đến xe máy, ô tô. Trong các bãi "mổ xe" của các tỷ phú làng nghề này cũng ngồn ngộn đầy máy xúc, máy ủi...
Theo ước tính của người dân nơi đây, hiện nay, làng Tề Lỗ có khoảng 600 - 700 bãi "mổ xe" lớn nhỏ khác nhau. Năm 2007, Tề Lỗ được quy hoạch thành cụm làng nghề "mổ xe" với diện tích gần 20ha đến nay quy mô ngày càng được mở rộng.
Hàng trăm chiếc máy cẩu đang nằm ở công xưởng "mổ xe" |
Vừa “chế” thành công chiếc Huyndai 7 tấn "ngon lành", Thắng – một chủ xưởng nức tiếng làng Tề Lỗ mừng ra mặt giới thiệu với khách hàng: “Chiếc xe này anh vừa mua lại từ ông anh rể, chưa hỏng gì nhiều, máy móc vẫn xịn chán. Nếu em ưng thì anh để lại với giá hữu nghị, 1 tỷ đồng. Giá này là quá rẻ, hôm nay em may mắn mới mua được chiếc xe đẹp như thế này chứ bình thường ở công xưởng bọn anh toàn xe cũ hơn mà giá cả vẫn thế thôi”. Trong khi đó, Ng.V. M, một nhân viên trong công xưởng của Thắng tâm sự với khách hàng: “Ở làng "mổ xe", các cửa hàng chủ yếu là mua xe cũ, xe hỏng không chạy được nữa.
Mỗi khi có hàng về, chủ xưởng giao thợ sửa chữa, thay mới, sơn lại màu. Linh kiện thay có thể lấy từ xe này lắp sang xe kia hoặc mua mới, cái nào nát quá thì "mổ xác" lấy từng bộ phận rồi bán dần cho khách.
Trung bình mỗi chiếc xe tính trừ chi phí thuê người kéo về, lắp ráp, thay thế phụ tùng, con nào lời nhất được 200 - 300 triệu đồng, con nào ít thì được 100 triệu đồng. Nói chung, buôn bán ở đây chẳng bao giờ sợ lỗ”.
Ở đại công trường “mổ xe" Tề Lỗ, Thắng không phải là một đại gia giàu nhất nhì thế nhưng ở cái tuổi đời còn rất trẻ, gần 30 tuổi đã có nhà lầu xe hơi riêng như Thắng khiến nhiều người nể phục. Thắng tâm sự: “Trước đây làng nghề này vẫn chỉ đơn thuần là buôn sắt vụn, mãi đến năm 2000, cả làng mới bắt đầu chuyển sang nghề "mổ xe".
Lúc đó, thấy mọi người đua nhau xây nhà tầng, mình cũng lân la đến các xưởng làm thuê để học nghề. Đến năm 20 tuổi, mình mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mở xưởng rồi thành lập công ty.
Hiện nay, xưởng của mình có gần 100 máy cẩu, ô tô, xe máy các loại từ hàng hỏng vừa nhập đến hàng sắp xuất xưởng, ước tính cũng khoảng gần 10 tỷ đồng. Chỉ vào công xưởng chất đầy xe của mình, Thắng tự hào nói: “Mình làm nghề này cũng được gần chục năm rồi, công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng cao.Tháng trước vừa nhập được một lô xe tải to về, trừ chi phí, lãi thu về cũng được mấy trăm triệu.
Ở làng này thanh niên đi học cũng có nhưng rất ít, chủ yếu ở nhà làm "giám đốc" cho bố mẹ. Hầu hết 20 tuổi ai cũng có nhà lầu, đi xe riêng rồi, không tin cứ ra đường mà xem, toàn thanh niên trẻ mà xe hơi của họ hết đấy", Thắng hồ hởi nói. Cùng với sự phát triển như vũ bão, làng "mổ xe" Tề Lỗ nổi lên những “ngôi sao” đình đám như: Nhung, Thu Rẽ, Sơn Thành, Tuấn, Lan Khích…với những bãi đỗ xe khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng.
“Rác rưởi cũng biến thành vàng”
30 tuổi nhưng Mai Văn Đỗ được đánh giá là một trong những ông chủ thành công nhất trong giới "mổ xe" thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ. Nhà nghèo, Đỗ sớm nghỉ học để bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Từ đi mua sắt vụn, xách xô vác xi đến chạy bàn..., Đỗ bảo chẳng thiếu nghề gì là anh không làm được. Năm 20 tuổi, với số vốn ít ỏi tích cóp được trong suốt tháng ngày tha phương cầu thực làm thuê, Đỗ trở về nhà mở xưởng “mổ xe".
Suốt 10 năm gắn bó, đeo đuổi nếm đủ vị đắng và vị ngọt của nghề này, Đỗ không giấu giếm: “Để kiếm được những hợp đồng béo bở chúng tôi đã phải đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, phải thiết lập mối quan hệ. Thậm chí, chúng tôi sang tận Lào, Campuchia, Trung Quốc để tìm đầu mối nhập xe. Có những chuyến đi, chúng tôi mất hàng tháng trời, vượt hàng trăm cây số mới bắt được mối xe. Sau đó, tiền thuê người chở xe về cũng mất cả hàng chục triệu đồng”.
Tỷ phú Mai Văn Đỗ bên cạnh xưởng xe ô tô của mình |
Đến khi mua được xe rồi thì lại chất ở bãi hàng tháng trời không bán được chiếc nào trong khi tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đặn. Tâm trạng tôi lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, sợ không bán được hàng rồi vỡ nợ...”. Trải qua bao khó khăn, vất vả cũng đến ngày gặt thành quả, Đỗ cho biết, hiện nay, bãi xe của nhà anh chất hàng chục chiếc xe với trọng tải từ 5 đến 10 tấn. Trung bình mỗi chiếc xe có giá từ 1 tỷ trở lên, chiếc nào lãi nhiều được 100 - 200 triệu đồng, lãi ít từ 50 - 100 triệu đồng.
“Làm nghề này phải biết cách, ví dụ như phải chờ thời điểm nhiều người mua xe nhất là trước và sau Tết, lúc đó họ dồn tiền làm ăn thì mình bán được nhiều. Đến giữa năm ít người mua, mình chỉ tập trung nhập xe về và sửa chữa.
Trung bình mấy tháng đầu năm bán được 10 xe/tháng, với lãi từ 100 - 200 triệu đồng còn mấy tháng giữa năm chỉ bán được một hai xe. Tuy nhiên, không bao giờ lỗ vì xe này bù vào xe kia. Xe nhà mình chọn mua cũng toàn xe còn “xịn” nên khách hàng mua chạy được họ giới thiệu cho nhau. Giờ mình ít phải đi vì có mối quan hệ rồi, khách muốn bán thì họ gọi cho mình, khách muốn mua thì tìm đến tận xưởng”, Đỗ chia sẻ.
Hàng trăm chiếc xe máy được chất ngổn ngang |
Cũng giống như Đỗ, trải qua nhiều thời gian trong nghề, Mạnh giờ đây trở thành ông chủ của một bãi xe ở Tề Lỗ mặc dù mới ở độ tuổi ngoài 20. Mạnh cho hay, ở xưởng của Mạnh giờ có hai dòng xe chính: một là mông má sơn sửa lại rồi xuất đi luôn, hai là thuê thợ về "mổ xe" bóc tách từng bộ phận rồi bán.
Không ngần ngại, Mạnh tiết lộ: “Chẳng giấu gì em, xe nào ngon vừa mua về anh cho thợ tân trang lại ngay, thay thế phụ tùng rồi chạy lên tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn bán. Hôm nào may gặp được khách bán luôn thì coi như trúng số độc đắc vì lãi ít nhất cũng được 30 - 40% rồi. Con nào “bi đát” quá thì cho thợ tháo ra từng bộ phận như động cơ, hộp số... để bán cho các chủ buôn còn lại tùy vào mục đích sử dụng hoặc đem bán sắt vụn. Nói chung, ở đây rác rưởi cũng biến thành vàng hết”.
Theo Mạnh, muốn trở thành tỷ phú làng "mổ xe" thì phải có kiến thức và có con mắt nhìn thực tế không được vội vã hoặc ham rẻ…“Người bán xe hầu hết là xe cũ, họ cần bán để đổi xe khác làm ăn, nếu mình hấp tấp mua ngay sẽ bị giá "chát". Phải biết cách làm hàng, từ chối mua cho họ chèo kéo rồi hạ thấp giá xuống đôi ba chục triệu là vừa”, Mạnh nói.
Đối với anh tỷ phú trẻ này thì 5 năm vẫn còn quá ngắn để tường tận mọi ngõ ngách về nghề. Nhiều lần, vì không hiểu biết nên anh đánh giá sai, ham rẻ mà thua lỗ cả tỷ đồng. Nói về triển vọng của nghề, Mạnh bảo: “Làng Tề Lỗ trước đây nổi tiếng là làng chứa rác nhưng giờ đây giới buôn xe khắp cả nước đều biết đến. Hàng ngày, lượng xe thải loại dồn về đây rất nhiều, có ngày lên đến hàng trăm chiếc xe nằm chờ đậu bãi, chẳng bao giờ sợ hết việc làm".
Người dân ở làng Tề Lỗ giàu phất lên nhờ nghề mổ xe |
Anh Trần Xuân Lộc – Bí Thư Đoàn xã Tề Lỗ cho biết: “Ở Tề Lỗ có khoảng 1.500 hộ dân và hơn 1/3 trong số đó làm nghề thu mua xe công trình. Đa số trong độ tuổi thanh niên và nếu tính theo mức tài sản từ 10 tỷ đồng trở xuống thì Tề Lỗ có hơn 75 người. Đặc biệt có nhiều chủ bãi tuổi đời mới chỉ 17, 18 tuổi. Họ thường là những cậu ấm con những chủ bãi làm lâu năm, được đầu tư dạy nghề và mở một bãi mổ riêng”.
Anh Lộc nhẩm tính: “Tề Lỗ có lẽ là xã có mật độ xe hơi tính trên số hộ dân thuộc vào diện cao nhất cả nước. Dân ở đây toàn chơi xe đẹp và độc. Xe Camry 2.4, BMW có khoảng vài chục cái, còn các dòng xe rẻ tiền hơn thì phải tính bằng 3 con số”.
Ông Bùi Đức Hoa, Chủ tịch xã Tề Lỗ cho biết, hiện xã không nắm được nguồn gốc, xuất xứ, số hộ kinh doanh vì làng nghề hiện tại được Ban quản lý cụm công nghiệp - trung tâm công nghiệp xã Tề Lỗ và Đội Quản lý thị trường H.Yên Lạc quản lý.
(Theo Tri thức trẻ)