Mỗi tháng cho 5-6 đợt hái, 1.000 m2 lá trầu không cho thu nhập 30 triệu/tháng. Tính ra một ngày, gia đình ông Thái ở Nghệ An kiếm được 1 triệu đồng.

Thương lái Trung Quốc săn mua lá trầu không giá cao

Gia đình ông Nguyễn Hồng Thái (trú tại xã Nghi Ân, TP.Vinh, Nghệ An) đang trồng hơn 1.000 m2 cây trầu không, đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây nông nghiệp khác.

Theo ông Thái, vườn trầu này cho thu nhập khoảng 300 triệu/năm. Tính trung bình mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, cây trầu không rất “khó tính”, lại chưa có công trình nghiên cứu hay hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng cho cây trồng này.

Từ kinh nghiệm đúc rút hơn 10 năm trồng trầu không với diện tích nhỏ, ông Thái đã nhân rộng mô hình này ra.

Đặc điểm của cây trầu không là rất dễ nhiễm dịch bệnh, lây lan và theo chu kỳ khoảng 4 năm sẽ bị một lần. Chỉ một cây bị bệnh thì nhanh chóng lan rộng mà tới nay, chưa có nghiên cứu nào để điều chế ra thuốc trị, chỉ còn cách phòng bệnh bằng các biện pháp chăm sóc.

{keywords}

Vườn trầu hơn 1.000m2 của gia đình ông Thái cho thu nhập cao.

Ông Thái kể rằng ông đã từng mang mẫu vật bị bệnh đến trung tâm nghiên cứu để nhờ tìm nguyên nhân và cách trị nhưng không có kết quả.

Ngoài ra, đất, thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc chăm sóc loại cây này.

Theo ông Thái, thời tiết lạnh, sương muối thường là tác nhân lớn nhất khiến trầu không bị dịch bệnh. Mỗi khi mùa đông tới, ông phải che chắn không để sương muối không ảnh hưởng tới vườn trầu. 

Đối với đất, cây trầu không đất phải căng, không đọng nước mỗi lần làm phải lu cho đất thật chắc. Mùa mưa phải thiết kế sao cho nước thoát nhanh nhất, nếu không cây sẽ bị thối rễ.

Chế độ phân bón cũng rất khắt khe, bón quá tốt rất dễ tạo nên dịch bệnh. Nếu quá ít thì không đủ dinh dưỡng lá trầu sẽ nhỏ. 

{keywords}

Ông Thái phải thường xuyên kiểm tra sâu bệnh cho vườn trầu.

Điều đặc biệt, cây này có thể lây dịch bệnh từ người đã tiếp xúc với loại cây khác mang mầm bệnh. Nên ít khi ông Thái cho người ngoài tiếp xúc với vườn trầu không.

“Cây này rất dễ lây bệnh, kể cả từ người đã tiếp xúc với cây bệnh nơi khác. Ngay cả người mang hơi lạnh cũng gây dịch bệnh cho trầu không”, ông Thái nói.

Khoảng 4 tháng nay, gia đình ông Thái nhận đơn hàng từ một người Hà Tĩnh để đưa lá trầu xuất khẩu sang Đài Loan, giá 70.000 đồng/kg lá. Mỗi tháng, ông Thái chỉ đủ lá để gom cho 2 đơn hàng do diện tích còn hạn chế. 

Từ khi lá trầu xuất ngoại, vườn trầu nhà ông đã không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

{keywords}

Trầu không được trồng trong các nhà lưới

Với thị trường trong nước, giá mỗi lá trầu bán cho thương lái là 500-700 đồng. Cao điểm nhất là các dịp Rằm và Tết Nguyên đán, thường thì ông không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.

“Việc trồng trầu không chỉ dựa vào kinh nghiệm nhiều năm nên không phải ai cũng có thể trồng được”, ông Thái cho hay.

Để nâng cao chất lượng cho lá trầu, gia đình ông Thái đầu tư trồng trầu theo mô hình trang trại, rập khuôn trong các nhà lưới. Thời gian tới, gia đình ông sẽ làm thêm các nhà lưới để có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường.

Với thu nhập cao từ vườn trầu, kinh tế gia đình ông Thái rất ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học và có tích trữ.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đình Trúc, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Ân, cho biết, cây trầu không được người dân trồng lẻ tẻ tại các hộ gia đình từ nhiều năm nay, nhưng để trồng với diện tích lớn hàng thương mại thì rất khó do chưa có kỹ thuật chăm cây.

Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Văn Bình