Lạng Sơn có hơn 500 cơ sở y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh có phát sinh rác thải y tế. Vì vậy, công tác xử lý rác thải y tế luôn được tỉnh quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường giám sát.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn là đơn vị đã được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế hiện đại. Theo bác sĩ Trương Quý Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, hệ thống xử lý rác thải rắn y tế đang hoạt động tại đây có công suất 600kg/ngày. Lò đốt đảm bảo đủ công tác xử lý rác thải rắn của bệnh viện. Ngoài ra, mỗi ngày lò đốt cũng xử lý khoảng hơn 100 kg rác thải y tế nguy hại của 10 đơn vị y tế chưa có hệ thống xử lý rác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.
Theo trung tâm y tế huyện Gia Bình, trung tâm có 2 hệ thống xử lý chất thải lỏng và một lò hấp ướt rác thải rắn. Rác thải nguy hại sau khi được xử lý qua hệ thống sẽ được tiệt trùng toàn bộ, đảm bảo như rác thải rắn thông thường. Lò xử lý này còn hỗ trợ xử lý rác thải rắn cho các cơ sở y tế công lập, tư nhân và trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Gia.
Ông Lý Kim Soi – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, chất thải y tế nguy hại nên được xử lý triệt để, nghiêm ngặt. Sở Y tế thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác xử lý rác thải y tế theo quy định, đặc biệt là đối với rác thải nguy hại. Nghiêm cấm mọi hành vi tự ý vận chuyển, xả thải rác thải y tế ra môi trường.
Hằng năm, các cơ sở y tế đều có kế hoạch ứng phó với các sự cố môi trường do chất thải y tế. Khi có sự cố xảy ra, hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao khả năng ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp, hướng tới xây dựng môi trường bệnh viện an toàn.
Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện đầu tư bài bản và kêu gọi xã hội hóa xây dựng khu xử lý rác thải y tế nguy hại tập trung trên địa bàn tỉnh để khắc phục các hạn chế về xử lý rác thải y tế trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn, các chất thải rắn y tế phải được phân loại và quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Các chất thải cần phân loại trong bao bì, thiết bị lưu chứa rõ ràng, thu gom riêng biệt với chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Cơ sở y tế tự xử lý chất thải y tế hoặc xử lý theo mô hình cụm.
Tại Lạng Sơn hiện có 10 cụm xử lý chất thải y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế huyện khác. Chất thải rắn y tế nguy hại phải được chuyển giao cho đơn vị có giấy phép phù hợp theo quy định và có biên bản bàn giao trong trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm theo quy định.
Đơn vị nhận chuyển giao chất thải rắn y tế đảm bảo tuyệt đối không làm thất thoát chất thải ra bên ngoài, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Đặc biệt, đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao”.