Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh Lạng Sơn phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, các xã được lựa chọn điểm để xây dựng nông thôn mới chưa đạt Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. 

Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa trong thực hiện tiêu chí nên các cấp, các ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền, vận động sự chung tay, góp sức của người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Nhiều công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đầu tư xây dựng khang trang. 

Ngay từ đầu năm, các đơn vị, cơ quan đã đẩy mạnh tập huấn tại tất cả các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 với các nội dung liên quan đến thực hiện tiêu chí nông thôn mới, trong đó có Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Cùng với đó, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các xã điểm triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2023, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép được 250 cuộc tại các xã điểm nông thôn mới với khoảng 17.000 lượt người tham gia; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nhóm mạng xã hội từ xã đến các thôn. Trong đó có các nội dung tuyên truyền về phát huy vai trò của người dân trong việc chung sức thực hiện Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Bên cạnh đó, một số huyện, xã tiếp tục phát động và duy trì phong trào cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang cuối tuần đi cơ sở hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới tại tất cả các xã điểm. Theo đó vừa thực hiện các phần việc như chung sức thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn, sân thể thao ở các thôn, vừa kết hợp tuyên truyền cho người dân các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới… 

Qua gần 8 tháng đầu năm 2023, các huyện, xã điểm đã huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân hiểu và tích cực chung sức thực hiện tiêu chí. 

Xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định là một trong những địa phương điểm được lựa chọn xây dựng nông thôn mới năm 2023. Địa phương đã vận động các thôn, bản tích cực tham gia, đóng góp hoàn thành các tiêu chí, trong đó có Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. 

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Trại, xã Kháng Chiến, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, bà con trong thôn rất phấn khởi và tích cực chung sức thực hiện. Bên cạnh một phần hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 1,5 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao. Đến nay, công trình nhà văn hóa thôn đã hoàn thành với diện tích 180 m2, sân thể thao rộng 360 m2 phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp của bà con trong thôn.

Trên địa bàn huyện Bắc Sơn, người dân xã điểm Long Đống cũng tích cực chung sức thực hiện Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Gia đình ông Hoàng Công Minh, thôn An Ninh, xã Long Đống đã bàn bạc và hiến hơn 400 m2 đất ruộng. Từ diện tích đất hiến của gia đình và một số hộ dân khác, công trình nhà văn hóa nhanh chóng được triển khai xây dựng. Qua đó, từng bước góp phần vào việc hoàn thành Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn xã Long Đống.

Là 1 trong 10 xã điểm cũng được tỉnh Lạng Sơn chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dồn sức triển khai thực hiện các tiêu chí.

Xã đã tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã 2 lần/ngày; tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp, sinh hoạt tại thôn, bản; lãnh đạo xã xuống trực tiếp tuyên truyền, vận động tại từng hộ dân… Nhờ đó, đã huy động được nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Gia đình ông Chu Văn Thưởng, thôn Bó Luồng là một điển hình. Trước đây, người dân trong thôn phải sinh hoạt trong nhà văn hóa thôn nhỏ hẹp, xuống cấp. Mỗi lần họp thôn, người dân phải đứng ra ngoài sân vì không đủ chỗ ngồi. Năm 2023, Nhà nước có chủ trương xây mới nhà văn hóa thôn, gia đình đã bàn bạc và quyết định hiến hơn 400 m2 đất vườn của gia đình để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Ngoài gia đình ông Thưởng, người dân trên địa bàn xã cũng tích cực chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, người dân trên địa bàn xã đã hiến trên 2.000 m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn và làm đường giao thông nông thôn; đóng góp 450 công làm giao thông, thủy lợi; nạo vét kênh mương, phát quang đường làng ngõ xóm được trên 2.000m… 

Cùng với 3 xã điểm kể trên, từ đầu năm 2023 đến nay, người dân ở các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh cùng một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng tích cực chung tay, góp sức để thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. 

Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2023, người dân các xã điểm cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp 2,8 tỷ đồng tiền mặt; 3.100 ngày công lao động và hiến 3.003 m2 đất để chung sức thực hiện Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, năm 2023, các xã điểm nông thôn mới trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng, nâng cấp 40 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Hiện, tiến độ các công trình cơ sở vật chất văn hóa ở các xã điểm khác có tiến độ đạt từ 10-90%. Các xã điểm đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự chung sức của người dân để xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao thôn. 

Dự kiến hết năm 2023, các công trình cơ sở vật chất văn hóa sẽ hoàn thành. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chung trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV