Lạng Sơn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số người dân tộc thiểu số sống ở tỉnh Lạng Sơn là 655.896 người, trong đó: dân tộc Nùng 335.316 người, Tày 282.014 người, Mông 1.551 người, Dao 28.225 người, Sán Chay 4.942 người, Sán Dìu 457 người... số người dân tộc thiểu số nhiều nhất trên địa bàn tỉnh là dân tộc Nùng.
Trong những năm qua Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giáo dục, dân trí giữa các trường, các địa bàn trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cho hàng trăm trường Phổ thông Dân tộc bán trú, trường công lập có học sinh bán trú thuộc vùng đặc biệt khó khăn được trang bị thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng nhà ở, nhà bếp, nhà ăn, sửa chữa cải tạo khu nội trú,... nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho các trường học, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho con em đồng bào các dân tộc vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Tỉnh đã quan tâm triển khai các chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và giáo viên mầm non; hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, hỗ trợ gạo cho học sinh nội trú, bán trú… Xuất phát từ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương và các chính sách cụ thể như: Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/6/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và miễn giảm học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, cùng nhiều chính sách khác được triển khai và thực hiện đúng, đầy đủ.
Nhờ sự quan tâm đầu tư và các chính sách hỗ trợ đặc thù của Đảng và Nhà nước mà công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Lạng Sơn đã có những khởi sắc. Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm điều kiện tối thiểu để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều thôn, bản vùng cao, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở; các huyện đều có trường trung học phổ thông. Đặc biệt, mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã đóng góp lớn trong tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Môi trường giáo dục an toàn, thân thiện được cải thiện. Công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức, chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh và giáo dục kỹ năng sống, thực hiện tốt việc phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đến nay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng nhà bếp, nhà ăn khu nội trú cho các trường PTDTBT trên địa bàn. Cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020, đã trang bị bổ sung cho 101 trường phổ thông dân tộc bán trú thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị đồ dùng nhà bếp, nhà ăn, khu nội trú, cải tạo sửa chữa cho trên 50 khu nhà bếp, nhà ăn, khu nội trú các trường phổ thông dân tộc bán trú. Ngoài ra, còn trang bị thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú, nhà bếp nhà ăn cho các trường công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho con em đồng bào vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của các trường tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều trường chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhiều trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, nhà vệ sinh... Trang thiết bị dạy học còn thiếu, các điều kiện tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh chưa được bảo đảm.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trước hết, phải tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xã hội hóa giáo dục để toàn dân cùng tham gia đóng góp. Thực hiện việc sắp xếp hệ thống trường, lớp ở các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hóa.
Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người dân tộc thiểu số. Đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm công tác, gắn bó với địa phương.
Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các loại mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bảo đảm chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt các chính sách của trung ương, của tỉnh liên quan đến giáo dục miền núi; sửa đổi, bổ sung những chính sách đã ban hành nhưng không còn phù hợp với thực tế hiện nay; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp với đặc thù của tỉnh về hỗ trợ cho giáo viên, học sinh, cán bộ quán lý giáo dục, đầu tư cho giáo dục miền núi.
Hồ Nhụy, Thanh Hà, Kiều Oanh, Diệu Bình