Vợ chồng chị Bế Thị Ngân ở thôn Bản Quyến, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có hai con, một bé 9 tuổi, một bé hơn 2 tuổi. Chị mang thai lần đầu khi còn rất trẻ nên mọi hiểu biết về thai kỳ đến kỹ năng làm mẹ chỉ nhờ kinh nghiệm truyền từ người lớn trong nhà và trong bản. 

Chị cho biết, bé lớn được chị cho ăn theo kiểu truyền miệng nên bị suy dinh dưỡng. Rút kinh nghiệm, khi sinh bé thứ hai, chị nhờ cán bộ y tế tư vấn từ trước, trong thai kỳ và thăm khám thai đầy đủ, kèm ăn uống đảm bảo nên bé thứ 2 lớn nhanh, khoẻ mạnh và không bị thiếu chất dinh dưỡng.

Lạng Sơn
Người dân ở Lạng Sơn được thăm khám và chăm sóc sức khoẻ thường xuyên

Tú Đoạn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lộc Bình, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn. Để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé, thời gian qua, trạm y tế xã đã cử cán bộ y tế có trình độ đến tận nhà người dân để đỡ đẻ, hướng dẫn thai phụ và gia đình cách chăm sóc sức khoẻ cho trẻ tại nhà.

Đặc biệt, từ khi triển khai Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, xã Tú Đoạn cũng tổ chức những buổi truyền thông, tư vấn dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong xã. Nhờ đó, hiểu biết của bà mẹ về cách chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và quá trình nuôi trẻ được nâng cao, hành vi chăm sóc trẻ cũng có nhiều thay đổi.

Tập trung triển khai nhiều chính sách sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em

Lạng Sơn là tỉnh biên giới có tỉ lệ người dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông...) đông, chiếm hơn 80% dân số toàn tỉnh. Đời sống người DTTS nơi đây còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu như sinh con tại nhà, chăm sóc trẻ thiếu khoa học, thiếu trang thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh…

Từ thực tiễn đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nội dung chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ em như thực hiện “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch hành động Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam" đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Lạng Sơn”.

Hàng năm, các cơ sở y tế đã chủ động triển khai các hoạt động can thiệp dinh dưỡng cho trẻ từ khi còn trong bụng mẹ đến khi 5 tuổi, trong đó chú trọng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (tính từ khi trong bụng mẹ); theo dõi các chỉ số dinh dưỡng của trẻ qua hoạt động cân, đo định kỳ tại các trường học, trạm y tế để có cơ sở tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ kịp thời bổ sung dinh dưỡng cho trẻ; tham mưu triển khai bổ sung vitamin A cho trẻ 2 lần/năm. 

Đặc biệt đối với các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, các cơ sở y tế còn tổ chức các buổi trình diễn nấu ăn sử dụng các thực phẩm sẵn có để hướng dẫn các bà mẹ có con dưới 2 tuổi nâng cao chất lượng bữa ăn, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ; cấp phát vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai đang sinh sống tại các huyện nghèo.

Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, ngành y tế đã phối hợp theo dõi tăng trưởng định kỳ, tư vấn dinh dưỡng cho trên 77.000 trẻ. Toàn tỉnh có trên 40.000 trẻ em thực hiện bổ sung vitamin A; hơn 6.500 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai tại 2 huyện Văn Quan, Bình Gia được bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, quan tâm chăm sóc, đảm bảo sức khoẻ, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.