Nghề rèn truyền thống ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên - Cao Bằng) đã tồn tại cách đây hơn 1.000 năm. Những sản phẩm rèn của người Nùng nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước từ lâu, đặc biệt đến nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Nghề rèn truyền thống ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên - Cao Bằng) đã tồn tại cách đây hơn 1.000 năm. Những sản phẩm rèn của người Nùng nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước từ lâu, đặc biệt đến nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Xã Phúc Sen hiện có khoảng 150 lò rèn gia đình, rải đều ở 6 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài. Điều đặc biệt ở đây là những người thợ chỉ rèn thủ công, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm, từ cách chọn nguyên liệu, cách tôi luyện thép cho đến áp dụng bí quyết riêng để tạo ra các sản phẩm như: dao, kéo, cuốc, liềm... có chất lượng tốt, được bà con lao động tin dùng.
Cách TP Cao Bằng 30 km, trên đường đi cửa khẩu Tà Lùng, Phúc Sen xã vùng cao của đồng bào dân tộc Nùng, có 420 hộ với khoảng 2.000 người. Tương truyền, làng nghề rèn đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây đã chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nhiều gia đình làm nghề này cha truyền con nối đã hàng chục đời, sản phẩm rèn của làng làm ra luôn nổi tiếng về độ sắc và độ bền.
Vượt qua cung đường vắt núi hùng vĩ dẫn lên huyện vùng cao Quảng Uyên 30km là đoạn đường dài chừng 2km với 2 bên đường là những quán hàng bày bán dao kéo, nông cụ... của người Nùng xã Phúc Sen.
Bước chân vào làng, đâu đâu cũng thấy các lò than rực cháy, những đốm lửa vàng đỏ bắn tung tóe sau những nhát búa, nhát đe dứt khoát.
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng ở Phúc Sen có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ nhíp ô tô phế liệu.
Theo anh Nông Vần, chủ một lò rèn ven quốc lộ, nhíp ô tô là loại thép rất phù hợp để rèn dao kéo đạt độ sắc, độ bền cao, tuy nhiên để rèn loại thép này sẽ mất nhiều công sức và thời gian hơn những loại thép thông thường.
Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng. Lò nung thép được làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò.
Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.
Tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện.
Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp.
Hầu hết các lò rèn ở Phúc Sen ngày nay đã dùng máy mài thay cho phương pháp mài tay vừa mất sức lại tốn thời gian.
Chỉ dùng những thanh nhíp ô tô phế liệu để làm dao kéo là một trong những bí quyết khiến chất lượng sản phẩm ở làng rèn này luôn đạt được chất lượng cao nhất.
Nét văn hóa độc đáo và danh tiếng của nghề rèn giúp cho làng nghề trở thành điểm đển hấp dẫn tại Cao Bằng. Hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen vừa du lịch trải nghiệm, vừa để mua những sản phẩm dao kéo... chất lượng đặc biệt tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, đây là một trong những làng nghề độc đáo được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.