“Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Đó là nhận định được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra trong bài viết về chống lãng phí đăng tải trên báo chí ngày 13/10, thu hút sự quan tâm và đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân cả nước. Theo tôi, nhận định nói trên vừa là nguyên nhân, vừa là cơ sở cho những vấn đề được đặt ra trong bài viết này.
Bởi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”, “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”...
Nói “phổ biến” vì biểu hiện của lãng phí rất đa dạng. Lãng phí có thể xảy ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức hay trong mỗi gia đình, cá nhân. Lãng phí có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng.
Lãng phí theo nghĩa thông thường nhất là sự tiêu phí tài sản, của cải, công sức hay thời gian. Đó có thể ngẫu nhiên hoặc theo thói quen, mà chính đối tượng gây ra lãng phí cũng không nhận thức được.
Lãng phí làm thiệt hại của cải, vật chất (mà phần lớn là tài sản công). Nếu điều này xảy ra có tính phổ biến, thường xuyên, ở nhiều nơi với nhiều đối tượng trong xã hội thì sẽ trở thành một trong những trở lực cho sự phát triển đất nước. Lãng phí chẳng những làm tổn thất lớn tài nguyên, tài sản của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đó là lý do vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt vấn đề một cách mạnh mẽ, kiên quyết về công tác “chống lãng phí” trong lúc này.
Nhìn lại công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã dành hết trí lực để giành được. Chúng ta đã khiến một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh từng bước vượt qua thách thức, trở thành một quốc gia có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cao như ngày nay.
Quá trình lột xác kỳ diệu ấy đã để lại nhiều bài học thành công. Nhưng cũng có không ít đắng cay, thất bại cần được nhìn nhận như một thực tế phải trải qua và trả giá trong quá trình phát triển. Đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực quốc gia chưa được ngăn chặn triệt để.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... Phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Phần đông dư luận xã hội dễ phấn khích, thỏa mãn, thậm chí “hả hê” khi thấy trong khoảng 10 năm trở lại đây, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng lớn; nhiều cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương bị kỷ luật, mất chức; nhiều quan tham bị truy tố trước pháp luật; tài sản, tiền bạc của nhà nước và nhân dân được thu hồi…
Tuy nhiên, ít người để ý rằng tình trạng lãng phí cũng gây ra những tác hại vô cùng ghê gớm. Mà việc này, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý triệt để các đối tượng vi phạm trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, việc nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí để đấu tranh ngăn chặn, không hao mòn nguồn lực phát triển của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết.
Bởi chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vì vậy, cần phải gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho cuộc sống nhân dân, làm giàu cho đất nước. Công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân, thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu rõ 4 giải pháp trọng tâm để phòng chống lãng phí.
Thứ nhất là cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh; là đạo đức, là văn minh.
Thứ hai là tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Thứ ba là tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước.
Thứ tư là phải xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, như “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ của Đảng ta trong việc giữ gìn và vun đắp nguồn lực phát triển của đất nước.
Tinh thần ấy cần được quy chế hóa, thể chế hóa trong quá trình lãnh đạo của Đảng và trong triển khai thực hiện của bộ máy quản lý nhà nước. Vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cũng cần được phát huy. Tất cả phải hành động để cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí mang lại hiệu quả, thực sự là cuộc đấu tranh vì sự nghiệp phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân trong kỷ nguyên mới.
Sốt ruột với tốc độ giải ngân 'rùa bò', TPHCM sẽ kiểm tra từng dự án, nhà thầu
Thay nhà thầu tại dự án bệnh viện 2.300 tỷ do liên tục trễ hẹn