Với sự trợ giúp của tỉnh Ninh Thuận, hai làng nghề truyền thống là Mỹ Nghiệp (thổ cẩm Chăm) và Bàu Trúc (gốm) đã tìm lại sức sống sau những ngày tháng thăng trầm, khó khăn tìm thị trường…
Đường vào làng dệt thổ cẩm chăm Mỹ Nghiệp cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 12 km về hướng Nam.
Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề nằm ngay giữa làng vừa được chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng; giúp bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dân tộc Chăm đang bị mai một.    
Những thước vải thổ cẩm đẹp mê hồn, được làm ra từ chính bàn tay người thợ Chăm
Nét độc đáo của làng nghề này là dệt vải theo cách thủ công truyền thống, không sử dụng máy móc, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn thời cha ông: từ chất liệu đến hoa văn, bí quyết phối màu, màu nhuộm.
Người thợ thủ công trân trọng từng mét thổ cẩm làm ra. Rất khó tin là là 1m vải, người thợ được trả công là 15 nghìn đồng; mỗi người chỉ dệt trung bình 3m/ngày.
Một du khách đang thử dệt thổ cẩm; thao tác cần phối hợp cả chân, tay và sự di chuyển nhanh của đôi mắt.
Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận – Nguyễn Chí Dũng đang kiểm tra số máy móc mới được nhập về. Số máy này được tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ, giúp bà con hoàn thiện sản phẩm ở các công đoạn khó, trước khi bán ra thị trường. Vị bí thư này cũng từng đứng ra vận động doanh nghiệp và bỏ tiền túi cho làng nghề thổ cẩm Chăm 500 triệu đồng làm vốn kinh doanh.
Hàng ngày làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đón hàng trăm khách đến thăm, mua hàng, trong đó có không ít doanh nghiệp từ TPHCM, Hà Nội. Mong ước của bà con hiện nay là mở được chi nhánh, bán sản phẩm tại các TP lớn để quảng bá sản phẩm..
Dệt thổ cẩm Chăm
Làng Mỹ Nghiệp (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 12km về phía Đông Nam), có tên Chăm là Ca Klaing. Làng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đã và đang thu hút nhiều lao động tham gia, tạo ra được những sản phẩm có giá trị được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích.
Sản phẩm thổ cẩm hiện được bán rộng rãi tại làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Với các nguyên liệu sẵn có như như: cây Chùm Bầu, cây Mo, người dân dệt nên những tấm vải và dùng bùn non làm phẩm nhuộm và dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm
Việc đầu tư vực dậy làng nghề truyền thống đặc trưng của người Chăm nằm trong kế hoạch tổng thể   
Cách làng nghề dệt thổ cẩm chưa đầy 1 km, là làng gốm cổ Bàu Trúc. Trong ảnh là nghệ nhân Đàng Xem đang giới thiệu với khách về các sản phẩm gốm. 
Đây là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung.
Một sản phẩm hoàn thành trong vòng 5 phút, nhưng người thợ phải xoay quanh cục đất sét hàng trăm vòng.
Người thợ Chăm khéo tay và cần mẫn.
Một sản phẩm gốm Bàu Trúc làm bằng tay sắp được đưa vào lò nung…Giá của cặp bình này khoảng 3 triệu đồng.
Một sản phẩm đặc trưng của làng gốm Bàu Trúc, do đốt thủ công nên sản phẩm không đều lửa, nhưng đây là nét riêng khó từ bỏ của làng nghề này.
Khách từ TPHCM tìm mua những sản phẩm “độc” của làng gốm Bàu Trúc.UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã hỗ trợ làng nghề này vốn, vận động thành lập hợp tác xã, tìm đầu ra cho sản phẩm gốm Chăm.

Làng gốm Bàu Trúc
 Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Pôklông Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa được nhân dân duy trì cho đến ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn tổ nghề, bà con lập đền thờ Pôklông Chanh ngay trong làng và tế lễ vào dịp lễ hội Katê hàng năm.
Vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sản phẩm gốm thật sự ở Bàu Trúc là một loại đất sét đặc biệt. Loại đất sét này được lấy từ bờ sông Quao, khi nung rất dẻo và bền. Kỹ năng trộn cát với đất sét cũng rất khác biệt. Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm. Vì thế nên gốm Bầu Trúc hoàn toàn khác so với gốm những nơi khác.
Du khách có thể mua sản phẩm tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.


•    Thái Thiện