Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội - Phú Xuyên, tại 150 thôn, cụm dân cư của huyện đều có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vì vậy, thời gian qua, huyện Phú Xuyên không ngừng duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị. Biến những lợi thế tự nhiên vốn có của huyện (là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô) thành động lực để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.

W-nongthon.png
Nông thôn mới xã Hồng Minh, Phú Xuyên

Theo thống kê, toàn huyện có hơn 50 làng nghề được Thành phố Hà Nội công nhận. Trong đó, tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày… Sản phẩm của các làng nghề luôn thích ứng với thị trường, nhanh nhạy trước thời cuộc, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.

Các làng nghề truyền thống này đang nuôi dưỡng nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, là điểm tựa để huyện xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, kiểu mẫu.

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phú Xuyên có xuất phát điểm thấp so với bộ tiêu chí quốc gia; trung bình các xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ. Đời sống của nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Điểm được đánh giá là nổi bật nhất trong xây dựng NTM ở Phú Xuyên là huyện có nhiều chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM. Với những bước đi phù hợp, đến nay, Phú Xuyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Việc giữ gìn và phát triển làng nghề tại huyện Phú Xuyên luôn được Thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Từ sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề, làng nghề truyền thống, UBND huyện đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng để sớm đưa 4 cụm công nghiệp làng nghề xã: Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ vào hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quy hoạch cụm công nghiệp ở các xã: Tân Dân, Sơn Hà, Phượng Dực...

Hệ thống đường trục xã, liên xã, liên thôn đã được thảm nhựa, bê tông 100%. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học dột nát. Đến nay đã có thêm nhiều trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Toàn huyện hiện có 222 sản phẩm OCOP (trong đó 156 sản phẩm được công nhận 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm đã hết hạn không tham gia đánh giá lại). Nhờ có sự phát triển kinh tế làng nghề giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,9%...