Tối 16/7, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ VHTT&DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần IV năm 2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an cho biết, Liên hoan khai thác đa số các lĩnh vực công tác của ngành công an, lan tỏa những hình ảnh đẹp về công an nhân dân.

{keywords}
Chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc. 

“Trên thực tế, nguồn kịch bản cho liên hoan kỳ này rất phong phú nên các vở diễn đã khai thác được đa số lĩnh vực của công tác công an. Từ hình ảnh chiến sĩ tình báo, chiến sĩ an ninh, lực lượng cảnh sát phòng, chống ma túy, sự nỗ lực quyết tâm, hy sinh quên mình của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra… đều được tìm hiểu, khai thác trong các tác phẩm”, NSND Nguyễn Công Bẩy chia sẻ.

Tham gia Liên hoan có 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch. Trong đó, có những vở diễn khai thác những đề tài khó như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

{keywords}
Ngay sau lễ khai mạc là phần thi diễn của Nhà hát CAND với vở kịch nói 'Vẫn sống'.

Có những vở diễn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ, xây dựng, ca ngợi những chiến công của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đặc biệt, Liên hoan lần này có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân với 2 vở chèo của Nhà hát Chèo Quân đội đem đến cho Liên hoan hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ”, là sự thể hiện sinh động trong mối quan hệ, gắn bó sâu sắc giữa Quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước.

Ngay sau lễ khai mạc là phần thi diễn của Nhà hát CAND với vở kịch nói Vẫn sống. Đây là tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ CAND trên mặt trận phòng chống ma túy do NSND Lê Hùng đạo diễn; Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND chỉ đạo nghệ thuật. 32 vở diễn còn lại tham gia Liên hoan được công diễn 2 vở/ngày vào 9h đến 11h và 20h đến 23h, từ ngày 17/7 đến 1/8.

Các suất diễn đều mở cửa phục vụ miễn phí. Ngoài ra, trong khuôn khổ Liên hoan còn có một số hoạt động khác như tọa đàm, trao đổi về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, tham quan Bảo tàng CAND… Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải Liên hoan sẽ diễn ra vào 20h ngày 2/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. 

Lịch diễn các tác phẩm dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020:

Ngày 16/7: Vở Kịch nói “Vẫn sống” của Nhà hát CAND

Ngày 17/7: Vở Kịch nói “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam

                   Vở Kịch nói “Thầm lặng những chiến công” của Nhà hát Ca Múa kịch Lam Sơn

Ngày 18/7: Vở Kịch nói “Lằn ranh” của Nhà hát Kịch TP.HCM

                   Vở Chèo “Tiếng chuông” của Nhà hát Chèo Hưng Yên

Ngày 19/7: Vở Kịch nói “Hải Âu trắng” của Đoàn Kịch nói Nam Định

                   Vở Kịch nói “Kẻ trộm” của Nhà hát Kịch Hà Nội

Ngày 20/7: Vở Dân ca Bài chòi “Vòng xoáy” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam

                   Vở Kịch nói “Tái sinh” của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Ngày 21/7: Vở Chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa

                    Vở Chèo “Hai mươi năm thù hận” của Nhà hát Chèo Quân đội

Ngày 22/7: Vở Kịch nói “Những ngày không bình yên” của Nhà hát Kịch nói Quân đội

                   Vở Kịch nói “Tình bạn và công lý” của Sân khấu Lệ Ngọc

Ngày 23/7: Vở Kịch nói “Ai ngoại phạm” của Sân khấu Kịch nói Trịnh Kim Chi

                   Vở Cải lương “Chuyện của Dung” của Đoàn Cải lương Long An

Ngày 24/7: Vở Ca kịch “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh Thừa Thiên Huế

                   Vở Kịch nói “Nhật ký kẻ tử tù” của Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam

Ngày 25/7: Vở Kịch nói “Người thứ 13” của Nhà hát Thế giới trẻ - ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM

                   Vở Cải lương “Đóa sen Việt” của Nhà hát Thế giới trẻ - ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM

Ngày 26/7: Vở Chèo “Ngày trở về” của Nhà hát Chèo Quân đội

                   Vở Ca kịch “Những đứa con thời loạn” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế

Ngày 27/7: Vở Kịch nói “Hoa sen lửa” của Sân khấu Lệ Ngọc

                   Vở Kịch nói “Yêu” của Nhà hát Kịch Việt Nam

Ngày 28/7: Vở Kịch nói “Vụ án Am Bụt Mọc” của Trung tâm Sân khấu và phát triển (Hà Nội)

                   Vở Cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Ngày 29/7: Vở Kịch nói “Ngọn đèn trước gió” của Nhà hát Kịch nói Quân đội

                   Vở Cải lương “Hồi sinh” của Đoàn Cải lương Hải Phòng

Ngày 30/7: Vở Cải lương “Giọt máu người yêu” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang

                   Vở Kịch nói “Chuyên án Z5” của Nhà hát CAND

Ngày 31/7: Vở Cải lương “Nhân danh công lý” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

                  Vở Kịch nói “Búp bê không biết khóc” của Công ty TNHH Giải trí HERO FILM

Ngày 1/8: Vở ca kịch “Vụ án Am Bụt Mọc” của Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ

                Vở ca kịch “Người thứ 13” của Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ

 

 Tình Lê

Triển lãm đầu tiên và duy nhất của hoạ sĩ quá cố Bình Đen

Triển lãm đầu tiên và duy nhất của hoạ sĩ quá cố Bình Đen

Bình Đen là hoạ sĩ 5x mà nhiều thế hệ hoạ sĩ mến mộ, tuy nhiên, ông không hề có cuộc triển lãm cá nhân nào kể từ khi vào nghề năm 1970.