Chia sẻ tại tọa đàm: Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ông Đinh Quang Dân, Phó ban Khách hàng cá nhân Agribank cho hay, Agribank có những đặc thù. Chúng tôi có mạng lưới rộng, ngân hàng chúng tôi làm nhiệm vụ kinh doanh đem lại lợi nhuận; ngoài ra chúng tôi còn thêm một chức năng nhiệm vụ quan trọng liên quan đến an sinh xã hội. Như vậy chúng tôi có những khách hàng ở vùng sâu vùng xa là những khách hàng chúng tôi phủ sóng nhiều nhất. Còn địa bàn thành phố chúng tôi chịu sự cạnh tranh rất nhiều.
Trong giai đoạn COVID-19, theo dữ liệu 3 năm qua, chúng tôi có đánh giá. Thứ nhất tỉ lệ khách hàng mở tài khoản mới cũng như đăng ký dịch vụ ngân hàng và dịch vụ số tại các thành phố có xu hướng giảm ở Agribank, khoảng 3-5% trong 3 năm vừa qua.
Bên cạnh đó, số lượng khách hàng dùng dịch vụ số lan ra vùng biên, các tỉnh cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương loại 2, lan tỏa dần đến vùng sâu vùng xa. Đây là tín hiệu để khẳng định con đường của Chính phủ điện tử mà chúng ta triển khai đã đúng.
Như vậy, thứ nhất phần hạ tầng viễn thông đã phủ sóng rất tốt. Thứ hai là thói quen của người dân đã bắt đầu thành phố hóa, số hóa điện tử từ cái lõi các thành phố lớn lan tỏa ra khu vực nông thôn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là phần triển khai như Agribank, chúng tôi rất quyết tâm. Ví dụ như trong thời gian COVID-19, chúng tôi đã tung ra các sản phẩm liên quan đến mở tài khoản eKYC theo Thông tư 16. Chúng tôi cũng luôn bám sát Chỉ thị 02 và Quyết định 810 của Ngân hàng Nhà nước về số hóa và chúng ta có những chỉ tiêu cụ thể rồi.
Ở khu vực vùng sâu vùng xa, về các dịch vụ, trước hết chúng tôi vẫn tiếp xúc khách hàng dưới dạng kênh quầy. Như vậy chúng tôi L, và đây là một trong những kênh chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất các nhu cầu. Từ những tiếp xúc ấy, chúng tôi cũng đã đưa ra những ngân hàng lưu động, từ những xe đẩy có thể chạy đến từng ngõ ngách, từng điểm để khách hàng đến đấy giao dịch được thuận tiện.
Tiếp theo nữa là hệ thống ATM của Agribank làm nhiệm vụ số hóa, đưa giao dịch đến từng khách hàng. Quan điểm là không để ai lại phía sau. Vừa rồi, về triển khai VietQR, chúng tôi tập trung cả truyền thông nữa để triển khai tại các sàn thương mại rồi các điểm giao dịch, các khu chợ.
Chúng ta đặt câu hỏi tại sao vùng sâu vùng xa nhu cầu thanh toán không bằng thành phố? Về bản chất, chúng ta vẫn phải lấy khách hàng làm trung tâm, họ cần thanh toán cho cái gì, từ đó cần xây dựng 1 hệ sinh thái hàng hóa và dịch vụ để cung cấp. Rất mừng là chúng ra đã triển khai, sắp tới Napas triển khai như 1 switching của quốc gia cho phép đấu nối nhà cung cấp dịch vụ gián tiếp và trực tiếp vào switching này. Trên nền tảng ấy, chúng ta mới xây dựng được hệ sinh thái để đem lại lợi ích cho khách hàng nông thôn.
Khi triển khai như vậy, Agribank quyết tâm ngoài điện tử hóa, số hóa ra, chúng tôi cũng phải làm sao thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và kết nối với các merchant để đưa các hàng hóa dịch vụ đến cho khách hàng.
Giai đoạn vừa rồi có khó khăn, khi chúng ta đưa ra Thông tư 16 để mở tài khoản eKYC. Đây chính là bước điều kiện cần để người ta có tài khoản thanh toán được. Từ điều kiện cần ấy, chúng tôi tung ra những chiến dịch để triển khai dịch vụ e-mobile, internet banking, và kết nối với các fintech như Momo, VNpay, hay triển khai rất nhiều dịch vụ với Napas và Viettel như mobile money, Viettel money, hay chi-thu hộ cho các đối tác. Chúng tôi là một trong những đơn vị đẩy sản phẩm nhanh nhất và cung cấp tiện ích nhất bằng thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Khi thực hiện cái này ở vùng sâu vùng xa, tôi có đôi lời giãi bày. Thứ nhất, còn một phần nữa là phần tài chính số. Phần này khi chúng ta triển khai sửa đổi Thông tư 39, chúng ta vẫn phải có hành lang pháp lý để những người chứng minh được họ là nông dân là có thể tham gia vào những vùng nguyên liệu, vùng trồng cây, nuôi trồng rồi thủy hải sản để chứng minh có thu nhập, thậm chí là có doanh nghiệp sẵn sàng đứng lên bảo lãnh. Như vậy, chúng ta sẽ cung cấp dịch vụ tài chính số và khởi tạo khoản vay như thế nào để số hóa vấn đề này vì người ta cần có tiền tiêu, nạp vào ví thì phải có tiền. Chúng ta cần số hóa quá trình ấy. Đây chính là phần đem lại tiện ích và đem lại khả năng chi tiêu, ai cũng có thể trong một thời gian ngắn cần một khoản thanh khoản. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở.
Tại Agribank, năm 1998, tôi có nhớ khi triển khai đề án với Napas thì 88% người ta rất thích rút tiền mặt, nhưng đến bây giờ 88% đó chuyển sang chuyển khoản trên kênh số. Vấn đề Switching, ATM…, chúng tôi chuyển trục ngay từ những hệ thống đó, triển khai Agribank digital. Vừa rồi, chúng tôi cũng được Thủ tướng đến động viên và thăm gian hàng chúng tôi triển khai, cũng như các đối tác khách hàng đánh giá rất cao. Nghĩa là chúng tôi sẽ biến cái máy ATM tích hợp với các hệ thống bên ngoài để lấy eKYC để khách hàng có thể đến từng bốt đăng ký mở tài khoản, giao dịch được và sắp tới có thể vay tiền được. Như vậy sẽ chống được tín dụng đen, đem lợi ích cho khách hàng nhiều nhất. Đó là mục tiêu an sinh xã hội kết hợp làm ra, kiếm ra lợi nhuận để nộp vào ngân sách. Nhiệm vụ kép của chúng tôi là như vậy.
Ngoài góc độ vùng sâu vùng xa ra, với nông nghiệp, chúng tôi còn tham gia vào phần thanh toán dịch vụ công. Đây là dịch vụ khá mới. Thực ra về sau ai cũng phải dùng dịch vụ công hết hoặc dùng dịch vụ thiết yếu. Giai đoạn trước, chúng ta đã dùng dịch vụ thiết yếu rồi như thanh toán tiền điện, nhu yếu phẩm, còn một mảng nữa là dịch vụ công. Ngân hàng Nông nghiệp là một trong những đơn vị đầu tàu để kết nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Tháng 6/2020 chúng tôi là một trong những đơn vị đã kích hoạt được hệ thống và kết nối cả qua những kênh ebank và emobile. Bên cạnh đấy, qua các ví điện tử Momo và VNPTpay. Đến bây giờ, doanh số là nhiều trăm tỷ đồng rồi.
Thứ hai nữa là chúng tôi cũng đã có đến hàng trăm nghìn giao dịch, để khẳng định tất cả các dịch vụ chúng ta sẽ số hóa một cách toàn diện. Đây là những gì Agribank cam kết sẽ tiếp tục để khách hàng ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các tiện ích tốt nhất của Agribank và của ngân hàng.
Văn Thường (lược ghi), Hồng Hạnh, Hoài Linh