Trong hành trình lặn bằng tàu ngầm có người lái sâu nhất trong lịch sử, một nhà thám hiểm người Texas, Mỹ đã khám ra thứ mà ông có thể tìm thấy ở các cống rãnh của gần như bất kì con phố nào trên thế giới: rác thải.
Nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo lái chiếc tàu ngầm lặn xuống Rãnh Mariana. |
Ông Victor Vescovo, một lính hải quân đã về hưu, đã có khám phá đáng lo ngại này khi ông lặn xuống độ sâu gần 10.927 mét tại một điểm nằm trong Rãnh Mariana thuộc Thái Bình Dương – khu vực biển sâu nhất trên Trái đất. Chuyến lặn của ông Vescovo sâu hơn 16 mét so với kỉ lục trước đó được thực hiện năm 1960, cũng tại khu vực biển này.
Ông Vescovo, người đồng sáng lập của một quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân có trụ sở ở thành phố Dallas, Texas, đã tìm thấy một vật liệu nhân tạo nằm trên đáy đại dương, và đang cố gắng xác định xem đây có phải là nhựa nilon hay không – phát ngôn viên của đội thám hiểm cho biết.
Những vật thể nhân tạo được nghi là rác thải nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương. |
Rác thải nhựa giờ đây đã đạt đến mức độ được coi như một đại dịch trên toàn cầu, với khoảng 100 triệu tấn được tìm thấy trong các đại dương trên thế giới, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc.
Đây là lần thứ 3 con người từng có mặt ở điểm sâu nhất được biết đến trên Trái đất, thường được gọi là Vực thẳm Challenger, với độ sâu vào khoảng 10.898 đến 10.916 m. Lần gần nhất có người lặn xuống điểm này là chuyến thám hiểm của nhà làm phim nổi tiếng James Cameron, khi ông lặn xuống độ sâu 10.908 mét. Trước đó, chuyến thám hiểm đầu tiên đến Vực thẳm Challenger được thực hiện bởi Hải quân Mỹ năm 1960, đạt độ sâu 10.912 mét.
Anh Thư