Ca sĩ Lân Nhã phát hành album Nhiên gồm 8 bài nhạc Trịnh: Biển nhớ, Còn tuổi nào cho em, Cuối cùng cho một tình yêu, Vàng phai trước ngõ, Như một lời chia tay, Em còn nhớ hay em đã quên, Phôi pha và Tình sầu.
Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ có độ nhận diện cao nhất ở Việt Nam. Gia tài sáng tác của ông đến 600 bài hát nhưng số phổ biến rộng rãi đại chúng chưa đến 1/6.
Trong 8 bài trên, Lân Nhã làm khó mình khi chọn hầu hết bài phổ biến nhất, được 'người người, nhà nhà' hát, từng ghi dấu ấn qua chất giọng của nhiều thế hệ ca sĩ nam và nữ. Bài duy nhất chưa được khai thác quá nhiều là Vàng phai trước ngõ.
Lân Nhã nói chọn những bài mình thích nhất, không quan tâm chúng đã được nhiều nghệ sĩ thu âm hay trình diễn chưa vì tin 'mỗi người có cách hiểu cũng như truyền đạt cảm xúc khác nhau'.
Anh có lý lẽ riêng song việc chủ quan chọn những bài thích nhất khiến tổng thể album thiếu tính concept (chủ đề). Cụ thể, 8 nhạc phẩm rời rạc, không liên kết thành chủ đề hay câu chuyện cụ thể.
Vì vậy, album chưa phản ánh chân dung hay câu chuyện âm nhạc nào của Lân Nhã sau 13 năm hát, chỉ dừng lại ở một tuyển tập âm nhạc thuần túy.
Nếu không phải 8 bài này, anh hoàn toàn có thể thay thế bằng bất kỳ 8 bài nào trong số 600 sáng tác của Trịnh Công Sơn vẫn không làm thay đổi bản chất album hay sự liên kết với cái tên Nhiên.
Giọng Lân Nhã có chất trầm, tính nam đặc trưng cùng phong cách từ tốn, bặt thiệp của một quý ông. Trung thành với cách thể hiện này từ thu âm đến biểu diễn, anh thành công xây dựng thương hiệu cá nhân không hòa lẫn trong giới nghệ sĩ đông đúc, xô bồ.
Mặt trái, Lân Nhã một màu, an toàn, gần như không có biến số. Tám bài nhạc Trịnh qua giọng anh như khuôn đúc, 'sạch không tỳ vết' và dễ đoán.
MV ' Vàng phai trước ngõ'
Phần nhạc do nghệ sĩ Dũng Dalat đảm nhận càng đơn giản, dễ đoán. Các bản phối acoustic với nhạc cụ chủ đạo là guitar, ngoài ra còn có sáo và trống.
Tiếng guitar của Dũng Dalat không đặc sắc nhưng lành - điểm khá tương đồng với tiếng hát của Lân Nhã. Dù vậy, phần nhạc đã không giúp tôn lên giọng hát hay giá trị của các tác phẩm.
Những năm gần đây, nhạc Trịnh là cuộc đua của sáng tạo. Universal Music Vietnam làm E.P Gen Z và Trịnh tươi sáng, mới mẻ; Đức Trí 'làm mới nhạc Trịnh theo kiểu xưa', không dùng thanh âm điện tử mà khai thác chiều sâu, hồn cốt, tôn lên giá trị nội tại các nhạc phẩm; Hà Lê hát nhạc Trịnh với tinh thần R&B Tây phương...
So với đồng nghiệp, cách làm của Lân Nhã cũ kỹ. Với những bài nhạc Trịnh phổ biến, từng được thể hiện nhiều nhất, anh vẫn chọn kiểu hát acoustic 'như khuôn đúc' trên nền tiếng guitar giản dị của Dũng Dalat.
Lân Nhã nói muốn đứng ngoài cuộc đua của thị trường, đề cao 'giá trị của nghệ thuật mộc mạc, đơn giản mà tinh tế, sâu sắc'. Ngoài ra, anh cho rằng nghệ thuật trước hết phải làm thỏa mãn bản thân nên luôn làm nghề theo niềm tin, tìm đến những đồng nghiệp mình quý mến, ngưỡng mộ.
Ngoài lý do trên, có khả năng Lân Nhã chiều chuộng nhóm khán giả của mình đồng thời đưa ra phép thử với cộng đồng audiophile Việt Nam.
Làm nghề 13 năm, Lân Nhã hẳn có suy nghĩ, quan điểm riêng khi làm sản phẩm. Anh có thể đạt được những mục đích nào đó từ Nhiên song với tư cách nghệ sĩ, khó thể phủ nhận, Nhiên 'đuối' sáng tạo.
Nhìn rộng hơn, cuộc đua sáng tạo là xu hướng tất yếu không chỉ với nhạc Trịnh mà toàn bộ kho tàng tác phẩm nghệ thuật có khả năng làm phái sinh.
Trong lĩnh vực điện ảnh, các tác phẩm kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Phong thần diễn nghĩa hay các tác phẩm của Kim Dung... dù được giới làm phim Trung Quốc khai thác hằng năm vẫn thu hút những thế hệ khán giả mới.
Đối với những tác phẩm kinh điển đã phổ biến toàn dân, người nghệ sĩ cần không ngừng sáng tạo, đầu tư, tạo ra những tác phẩm phái sinh độc lập, vừa kế thừa giá trị cũ vừa khẳng định dấu ấn nghệ thuật cá nhân.
Ngược lại, việc chọn cách làm cũ, an toàn dễ biến sản phẩm thành 'đá ném ao bèo', lọt thỏm giữa vô vàn sản phẩm lờ nhờ, không trội bật được tuôn ra thị trường mỗi năm mà không để lại vết gợn nào.
Lê Thị Mỹ Niệm