Cuối cùng, sau nhiều lần hẹn gặp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng dành cho một số phóng viên cuộc phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng chiều 1-8. TBKTSG Online lược ghi.

{keywords}

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: TG/ Thời báo Kinh tế SG

TBKTS Online: Điều gì làm bộ trưởng đau đầu nhất trong thời điểm hiện tại?

- Không hoàn thiện về thể chế của Bộ Công Thương như Đảng và Chính phủ yêu cầu để đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, thì chúng tôi khó thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Điều làm tôi quan tâm lo lắng, và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao.

Nhưng ông thấy đấy, lĩnh vực bộ trưởng quản lý đang đối diện với nhiều vấn đề. Về thương mại thì các doanh nghiệp FDI đang ngày càng lấn tới, làm chủ hệ thống phân phối; về công nghiệp, thì các ngành công nghiệp trong nước, cả nặng và nhẹ, đang ngày càng khó khăn, kiệt quệ. Bộ trưởng nhìn nhận đánh giá này như thế nào?

- Đặt vấn đề như vậy, thấy vừa đúng vừa chưa đúng. Đúng là về hiện tượng, về khía cạnh; nhưng chưa đúng khi xem xét lĩnh vực thương mại, công nghiệp, và nền kinh tế về tổng thể.

Khi hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng với tất cả các nền kinh tế lớn và nhỏ, toàn bộ doanh nghiệp phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể giữ mãi vai trò hỗ trợ của Nhà nước như cách cũ trong bối cảnh toàn cầu hóa như vậy.

Tôi cho rằng công nghiệp đã có bước phát triển rõ nét. Các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, dù cạnh tranh chưa cao, đã đảm bảo đời sống của gần 100 triệu dân. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, những ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, công nghiệp điện tử còn xuất khẩu hàng chục tỉ đô la mỗi năm. Các ngành điện, năng lượng đã đảm bảo phục vụ cho nền kinh tế. Chúng ta đã có ngành công nghiệp khai khoáng, hóa dầu; còn công nghiệp cơ khí, điện tử, dù chưa có doanh nghiệp nội địa nhà nước, nhưng đã vươn ra nước ngoài. Đó là những bước đi tương đối vững chắc.

Về phân phối, tôi đồng tình là có vấn đề lớn trong hệ thông phân phối khi các doanh nghiệp FDI đã mở chuỗi siêu thị bán lẻ. Song, chúng ta phải chấp nhận điều này khi đã mở cửa hội nhập. Nói một cách thẳng thắn, các doanh nghiệp FDI đã khai thác cơ hội mở cửa của Việt Nam tốt hơn. Chính sách của ta chưa đủ, chưa kịp thời để phát triển bền vững hệ thống doanh nghiệp nội trước sự cạnh tranh và thâm nhập của FDI.

Ở đây có yếu kém trong quản lý nhà nước, trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng chiến lược, tổ chức hệ thống thương mại nội địa sao cho phát triển bền vững.

Tôi phải khẳng định, hội nhập là tất yếu, mở cửa là không tránh khỏi. Chúng ta cần nhìn nhận tính tích cực của doanh nghiệp FDI, không nên chỉ nhìn tác động tiêu cưc. Vấn đề là chúng ta phải có chính sách để tạo ra liên kết doanh nghiệp trong nước để tạo chuỗi. Đây là bài toán không chỉ của ngành công thương, mà còn của bộ ngành khác trong xây dựng thể chế, trong điều hành. Đảng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng chiến lược cho hệ thống phân phối, và chúng tôi phải tập trung hoàn thiện và quyết liệt triển khai.

Tôi muốn nói thêm là các doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực phân phối mà trong hàng loạt lĩnh vực công nghiệp khác không ý thức được nguy cơ của hội nhập, thì chúng ta sẽ thua toàn diện, không chỉ trong mảng phân phối.

Ngày càng có nhiều nhận xét rằng, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 là không thể đạt được. Vậy trách nhiệm của ngành công thương là như thế nào, và ông có giải pháp gì?

- Tôi mới nhận nhiệm vụ 3-4 tháng nay, và để đánh giá toàn bộ quá trình công nghiệp hóa của đất nước là việc rất lớn. Cá nhân tôi thấy, bên cạnh thành tựu tích cực trong một số lĩnh vực, chúng ta còn rất nhiều tồn tại. Một số lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn không đạt mục tiêu cả quy mô, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, chưa có sản phẩm theo chuỗi toàn cầu. Chúng ta có hạn chế, chưa thành công.

Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, chắc chắn chúng tôi có trách nhiệm. Tuy nhiên, chưa có đánh giá cuối cùng xem đến năm 2020 mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa đạt được đến đâu.

Theo tôi, chúng tôi không thể tách rời khỏi thế giới đang phát triển rất nhanh. Chúng ta không thể lấy chiến lược cách đây 20 năm để cho rằng bất biến trong bối cảnh thế giới thay đổi từng năm. Chúng ta nên nhìn với tinh thần mở, thích ứng để khai thác được cơ hội phát triển của thế giới.

Ông ý thức như thế nào về tác động của hội nhập rất sâu rộng tới đất nước?

- Hội nhập sâu sộng tạo điều kiện cho cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với thị trường thế giới, nhưng cũng gây áp lực cạnh tranh trực tiếp liên tục. Nó cũng đặt ra những vấn đề rất lớn với bộ máy nhà nước. Với những tồn tại, yếu kém hiện nay, nếu chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước không chuyển biến nhanh, thì chắc chắn chúng ta sẽ không khai thác được cơ hội hội nhập, và gặp khó khăn. Vì thế, yêu cầu cấp thiết là phải tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ nhanh chóng và triệt để. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Điều đáng mừng là Chính phủ đang hướng tới một chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển.

Thưa bộ trưởng, ông đặt trọng tâm điều hành như thế nào trong thời gian tới?

- Chúng tôi tập trung quyết liệt xây dựng bộ máy tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của hội nhập, đáp ứng được chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về thể chế, về con người. Trước mắt, chúng tôi phải tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ.

Chương trình cổ phần hóa DNNN phải được đẩy nhanh hơn theo hướng giảm thiểu vai trò của DNNN trong tất cả lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Bên cạnh đó, có những vấn đề phải xử lý ngay như một một số dự án không phát huy hiệu quả, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, xã hội do triển khai chậm, kéo dài. Rồi phải hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp, quản lý hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm,…

Về dự án thép Thái Nguyên, hướng giải quyết sẽ như thế nào?

- Ngay trong cuộc gặp gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công Thương, chúng tôi đã báo cáo về dự án giai đoạn hai của dự án gang thép Thái Nguyên cũng như của các tập đoàn khác. Dự án này kéo dài hơn 10 năm có các chi tiết rất phức tạp. Do tác động của hàng loạt yếu tố, từ thay đổi giá, tỷ giá, trách nhiệm các bên tham gia gồm tổng thầu nước ngoài và ban quản lý dự án, tổng mức đầu tư đã tăng 283%. Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tính bất cập của dự án và đã báo cáo với Thủ tướng, đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nên chúng tôi chưa thể nói rõ về các giải pháp cụ thể. Nhưng dù là giải pháp nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước và hiệu quả của dự án. Chắc chắn không có con đường mòn cũ là có hỗ trợ nguồn lực, hay cơ chế chính sách để duy trì những dự án như vậy. Chúng tôi hoan nghênh mọi thành phần kinh tế cùng tham gia tìm hướng giải quyết cho dự án này.

Bộ trưởng nói nhiều đến công tác cán bộ. Vậy vụ ông Trịnh Xuân Thanh đến nay được xử lý như thế nào rồi?

- Vụ ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình trong công tác cán bộ. Nếu không có rà soát đánh giá kỹ thì không thể phát hiện hết bất cập trong công tác cán bộ nói chung. Với ông Thanh, khi Tổng bí thư có chỉ đạo, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, kiểm điểm nghiêm túc về các công tác tiếp nhận, bỏ nhiệm, quản lý và thuyên chuyển. Do vụ việc kéo dài trong nhiều năm, từ lúc anh này làm ở doanh nghiệp các năm 2010-2011, về Bộ là năm 2013; và ban cán sự Bộ, lãnh đạo Bộ có thay đổi, nên chúng tôi phải cập nhật, đánh giá kỹ.

Sau khi có chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kiểm tra Ban cán sự Đảng và Bí thư ban cán sự của Bộ Công Thương. Việc kiểm tra này sẽ trong 60 ngày mới công bố quyết định. Đến nay Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Do chưa kết thúc, chúng tôi chưa thể nói đầy đủ thông tin, nhưng sơ bộ tôi khẳng định vụ Trịnh Xuân Thanh có nhiều dấu hiệu cho thấy có vi phạm và sai phạm trong chính sách cán bộ của Đảng, và Nhà nước. Cụ thể mức độ sai phạm đến đâu, trách nhiệm cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phải phối hợp với các cơ quan như PVN, các bộ ngành, địa phương để làm rõ từng chi tiết, từng giai đoạn, từng thời kỳ. Quan điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương là cầu thị, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vi phạm, sai phạm của cá nhân nào sẽ được làm rõ, báo cáo đầy đủ.

Xã hội cũng đang quan tâm lớn về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai người tiền nhiệm của bộ trưởng. Liệu có sự nể nang hay không?

- Về cụ thể sẽ cung cấp thông tin thời gian tới. Ban cán sự đã rà soát xem xét nghiêm túc. Sơ bộ tôi có thể nói ngắn gọn đúng là có sai sót trong một số khâu, trong công tác cán bộ tại Bộ Công Thương, từ khâu tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển. Đến mức độ như thế nào, sai phạm ở đâu và như thế nào đang tiếp tục làm rõ.

Có sự nể nang, có buông lỏng trong chính sách cán bộ hay không? Sơ bộ tôi có thể nói, trước hết anh Vũ Quang Hải là cán bộ trẻ và có năng lực, được xem xét đưa vào quy hoạch cán bộ. Còn một số thông tin khác, ví dụ, khi làm ở Công ty Tài chính Dầu khí, thì chưa có cơ sở để khẳng định là anh này gây ra thua lỗ vi thời gian anh này làm việc ngắn (có hai năm), trong khi lỗ kéo dài từ trước. Quá trình làm ở đó đã có báo cáo của PVN, báo cáo của kiểm toán. (Các báo cáo cho biết) Không có cơ sở nói anh này gây ra thua lỗ.

Còn vấn đề có phải vì con bộ trưởng để được về Bộ Công thương hay không thì thời gian đó Bộ đang có nhu cầu về cán bộ, Bộ Công Thương có chính sách cán bộ mở rộng từ các nguồn khác nhau, tạo cơ hội cho tất cả cán bộ nhưng khi tiếp nhận, bổ nhiệm thì có vi phạm. Nhưng cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ phải làm việc thêm với các cơ quan có trách nhiệm liên quan.

Theo Tư Giang/ TBKTSG online

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt