Việc tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số (Digital Economy & Society Forum – DESP) 2022 là 1 trong 15 nội dung, nhóm nhiệm vụ được Bộ TT&TT xác định trong kế hoạch năm nay để triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số.

{keywords}
Bộ TT&TT đã xác định 15 nội dung, nhóm nhiệm vụ trọng tâm được tập trung trong năm nay để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo kế hoạch, các nội dung khác cũng được Bộ TT&TT triển khai để thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số gồm: Xây dựng, trình ban hành Luật Giao dịch điện tử; Đo lường các chỉ tiêu kinh tế số; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; Xây dựng chương trình thúc đẩy phát triển và ứng dụng các nền tảng số quốc gia và Cổng thông tin nền tảng số quốc gia; Tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp; Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số...

Từ đầu tháng 6, Bộ TT&TT đã ra Quyết định 1044 ban hành kế hoạch cụ thể. Theo đó, Vụ Quản lý doanh nghiệp là đơn vị được giao xây dựng các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số theo Quyết định 411 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực, địa bàn quản lý. Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng là đơn vị giữ vai trò điều phối, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ được giao cho Bộ TT&TT nhằm phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số.

Tại Quyết định 411 ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đã khẳng định quan điểm, bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Tầm nhìn đặt ra là phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn và nhân văn.

Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, nêu ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số đi vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Vân Anh

Tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử mức cao

Tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử mức cao

Đây là một mục tiêu hướng tới của Kế hoạch hành động mới được Bộ TT&TT phê duyệt nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.