Các nhà khoa học Nga mới đây vừa phát hiện xác ướp của hai con gấu hang động khổng lồ, bao gồm một con gấu hang động trưởng thành và một con gấu con từng sống cách đây 39000 năm tại vùng Siberia. Theo Daily Mail, xác ướp con gấu trưởng thành được tìm thấy bởi những người chăn tuần lộc trên đảo Bolshoy Lyakhovsky (Nga). Trong khi đó, xác của con gấu con được phát hiện ở thành phố Yakutia của Nga.
Gấu hang động (Ursus spelaeus) là loài động vật thời tiền sử đã bị tuyệt chủng, từng sinh sống ở lục địa Á - Âu trong khoảng 300.000 đến 15.000 năm trước. Một con gấu hang động trưởng thành có kích thước khá lớn, với trọng lượng từ 350 đến 600 kg.
Được biết, do bị chôn vùi hàng chục nghìn năm dưới lớp băng vĩnh cửu của Siberia, xác ướp của gấu hang động được các nhà nhà khoa học Nga tìm thấy trong tình trạng "hết sức hoàn hảo", thậm chí vẫn còn giữ nguyên được các mô mềm và cơ quan nội tạng. Các nhà khoa học đã gọi đây là phát hiện "mang tầm thế giới".
Trên thực tế, đây cũng là lần đầu tiên xác một gấu hang động được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn. Những lần khai quật trước đó chỉ tìm thấy phần hộp sọ và xương của loài động vật từng sống ở kỷ Băng Hà này.
"Đây là lầu đầu tiên chúng tôi phát hiện được xác một con gấu hang động vẫn còn nguyên các mô mềm. Nó được bảo quản hoàn hảo, với tất cả các cơ quan nội tạng còn được giữ nguyên. Các bức ảnh chụp cho thấy phần mũi của con gấu vẫn còn nguyên vẹn", tiến sĩ Lena Grigorieva từ Đại học Liên bang Đông Bắc (NEFU), cho biết. "Trước đây, chỉ có hộp sọ và xương của gấu hang được tìm thấy. Phát hiện này có tầm quan trọng đặc biệt với toàn thế giới".
Đáng chú ý, phát hiện mới nhất này cũng cho phép nhà khoa học Nga, vốn đang tìm cách hồi sinh loài voi ma mút, có cơ hội xác định ADN của gấu hang động. Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Liên bang Đông Bắc Nga – nơi đi đầu trong việc nghiên cứu về voi ma mút và tê giác đã tuyệt chủng – sẽ phụ trách việc nghiên cứu xác ướp gấu hang động.
Tiến sĩ Grigorieva, thuộc Viện Sinh thái Ứng dụng của Đại học Liên bang Đông Bắc Nga cho biết, các nhà khoa học nước ngoài sẽ được mời tham gia nghiên cứu.
Thời gian qua, các nhà khoa học Nga đã tìm thấy ngày càng nhiều xương và xác động vật từ thời tiền sử tại vùng Siberia rộng lớn. Biến đổi khí hậu đang khiến vùng Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, làm lộ ra vùng đất của một số khu vực vốn bị vùi lấp trong băng vĩnh cửu.
Năm 2018, các nhà khoa học đã tìm thấy xương một chú chó từ thời tiền sử, với niên đại vào khoảng 18.000 năm tuổi bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở vùng Viễn Đông của Nga. Trong quá khứ, các nhà khoa học Nga từng tìm thấy hóa thạch voi ma mút có niên đại 30.000 năm tuổi.
Theo GenK