Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 696 ban hành sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc. Cuốn sổ tay này được hoàn thiện với sự tham gia biên soạn, xây dựng của 19 cán bộ, chuyên gia của Bộ Y tế và nhiều trường đại học, Sở Y tế.
Theo Cục Quản lý Dược, giai đoạn 2016-2020 đã chứng kiến nhiều đổi mới trong hệ thống quản lý Dược với việc ban hành Luật Dược sửa đổi năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan. Trước yêu cầu đặt ra, cuốn tài liệu Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc được ra đời nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các hoạt động tại cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định hiện hành và nâng cao kỹ năng thực hành của người bán lẻ thuốc.
Cục trưởng Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường nhìn nhận, hệ thống cơ sở bán lẻ thuốc trong cộng đồng là một trong những nơi đầu tiên người dân dễ dàng tiếp cận khi có vấn đề về sức khỏe.
Do đó, các cơ sở bán lẻ thuốc trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Lần đầu tiên, tất cả người bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ trên cả nước được tiếp cận với cuốn sổ tay chi tiết về lĩnh vực hành nghề của mình |
Chiến lược phát triển ngành Dược của Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Dược phẩm Quốc tế đã chỉ ra xu hướng của hoạt động thực hành dược là hướng tới việc sử dụng thuốc trên người bệnh an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế, trong đó thực hành dược trong cộng đồng đóng một vai trò quan trọng.
Xu hướng mới của hoạt động chăm sóc dược là hỗ trợ, thúc đẩy người bệnh trong cộng đồng tuân thủ điều trị và giảm thiểu các sai sót trong điều trị nhằm hướng tới việc sử dụng thuốc trên người bệnh được an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế.
Để đảm bảo cải thiện và nâng cao việc sử dụng thuốc có trách nhiệm cho người bệnh cần có sự tham gia tích cực của dược sĩ cộng đồng – những người sẽ tham gia vào các chương trình y tế có liên quan tới thuốc như chương trình phòng chống lao, HIV, các chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm..
Vì vậy đây sẽ là tài liệu hữu ích đối với người bán lẻ thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc để nâng cao chất lượng dịch vụ dược và triển khai các hoạt động tại cơ sở bán lẻ thuốc một cách hiệu quả, thống nhất, hướng tới đảm bảo cung ứng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho người dân.
Cuốn sổ tay hướng dẫn rất chi tiết về cách giao tiếp, cách hỏi, cách tư vấn cho người dân khi đến mua thuốc, ngay kể những nhóm khách hàng cá biệt.
Đặc biệt, sổ tay hướng dẫn tư vấn cụ thể đối với một số bệnh thường gặp tại cộng đồng như ho, sốt, cảm lạnh, táo bón… trong đó ghi chi tiết các triệu chứng, nguyên nhân, đánh giá tình trạng bệnh và ghi chi tiết chỉ định, chống chỉ định với từng loại thuốc.
Trong tài liệu này, người bán thuốc cũng được giới thiệu về quyền lợi, nghĩa vụ của mình như được đào tạo, cập nhật kiến thức, pháp luật về dược, được từ chối thực hiện hoạt động chuyên môn trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp, phải thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề dược của người hành nghề dược khác và phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã thông báo…
Về hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc, cần thực hiện theo quy định dược hiện hành, các tiêu chuẩn được ban hành theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong đó, cơ sở bán lẻ thuốc phải bảo đảm luôn đáp ứng tiêu chuẩn GPP trong suốt quá trình hoạt động, thực hiện các hoạt động bán lẻ thuốc theo đúng phạm vi được cấp phép, nghiêm cấm kinh doanh các hạng mục trong Điều 6 của Luật Dược 2016.
Sổ tay cũng cung cấp chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán dược, tương ứng với các mức xử phạt tương ứng dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Dược 2016, Nghị định 117/2020/NĐ-CP…
Minh Thư