Vivo Việt Nam vừa công bố đại sứ thương hiệu mới cho dòng điện thoại V25 của hãng. Theo đó, imma – cô người mẫu ảo đầu tiên của Nhật Bản – sẽ đảm đương vị trí quan trọng này.

Trên website, hãng đã công bố hình ảnh cô gái tóc đỏ đang cầm chiếc điện thoại thuộc dòng V chiến lược của họ trong năm nay.

Trừ gương mặt có vẻ lai giữa robot và người, những phần cơ thể còn lại của imma không khác gì người thật.

{keywords}
Hình ảnh của imma trên website của Vivo. (Ảnh: Vivo)

Năm ngoái, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc làm đại diện cho dòng V23. Các lần trước đó, Vivo hợp tác với Trấn Thành, Minh Hằng, tuyển thủ Việt Nam Quang Hải.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam một thương hiệu điện thoại hợp tác với một nhân vật ảo. Có lẽ cũng chưa có nhãn hàng nào khác trong nước từng sử dụng một người mẫu được tạo ra từ máy tính để làm đại sứ sản phẩm.

Theo Vivo, hãng kết hợp với imma nhằm “hòa với nhịp thở về trí tuệ nhân tạo đang tạo được sự quan tâm trên toàn cầu”. Theo đó, cô đại sứ thương hiệu sẽ bước vào hành trình ghi lại những khoảnh khắc lộng lẫy nhất tại các thành phố trong khu vực châu Á, và sẽ “ghé thăm” Việt Nam.

Trong thông tin do Vivo gửi báo chí, imma “phát biểu”: “Tôi luôn hứng thú với những cuộc phiêu lưu sáng tạo để khám phá những điều hoàn toàn mới, và với dòng V25, tôi có thể ghi lại và lưu giữ tất cả những kỷ niệm sống động mà tôi đã có với những người bạn và những cuộc gặp gỡ mới của mình”. 

Thông cáo báo chí viết thêm: “Là một người mẫu mang tinh thần năng động, hướng đến sự thời thượng, imma là điển hình của thế hệ trẻ luôn cố gắng bứt phá ra khỏi khuôn khổ”.

Việc xem một nhân vật ảo như một người thật một cách chính thống tại Việt Nam có vẻ khá lạ lẫm. Mặc dù đã nghe đâu đó về việc có những người được tạo ra bởi máy tính, trở thành người có ảnh hưởng (KOL, influencer), song người viết bài này vẫn cảm thấy một cảm giác khó diễn tả khi xem người ảo được đối xử như người thật.

Trên mạng, nhiều người khi đặt câu hỏi về imma đã gọi cô là “what” (cái gì), bên cạnh nhiều người khác gọi cô này là “who” (ai). Điều này cho thấy một nhân vật được tạo ra bởi máy tính vẫn khó được định danh rõ ràng.

Dù rất mới mẻ tại Việt Nam song imma đã là một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô có 406 ngàn người theo dõi trên Instagram, có những clip triệu view trên TikTok. Đồng thời, nhiều nhãn hàng như Amazon, IKEA, SK II,… đều đã từng hợp tác với imma.

Không chỉ vậy, theo thông tin do Vivo cung cấp, trong năm 2020, imma được vinh danh là “Phụ nữ của năm” vì những hoạt động xã hội do tạp chí Forbes Women bình chọn. Năm tiếp theo, imma tiếp tục được vinh danh Cool Japan Award do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản trao tặng vì những hoạt động nêu cao nhận thức về các vấn đề xã hội tại Campuchia. Cô từng chiến thắng hạng mục "Quảng cáo, Truyền thông & Thực tế Tăng cường PR năm 2021" của Giải thưởng Webby và cũng giành được Bút chì gỗ tại Giải thưởng D&AD năm 2021 và xuất hiện tại lễ bế mạc Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020.

Imma được công ty ModelingCafe Inc. (Nhật Bản) tạo ra từ năm 2018. Những nhà thiết kế đã tốn thời gian tạo ra từng chi tiết nhỏ nhất ở cô, từ tóc, biểu cảm khuôn mặt, làn da,… để trông cô chân thật nhất. Cô hoạt động sôi nổi trên Instagram, đồng thời cập nhật khá nhanh các xu hướng trên TikTok hiện tại.

Là một người ảo hoàn toàn, imma có thể tạo ra những hiệu ứng, tạo dáng, thực hiện những hành động mà người thực không thể nào bắt chước. Bên cạnh đó, những người đứng sau cô người mẫu này dường như vẫn muốn định hình cô như một người ảo, có những nét robot như một cách tạo sự khác biệt, chứ không cố gắng biến imma thành người thật. Có lẽ đây chính là điểm đặc biệt ở cô, mà hãng Vivo gọi là “siêu thực”.

Trên toàn cầu, xu hướng sử dụng nhân vật ảo như một người có ảnh hưởng đang dần manh nha. Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng nhân vật được tạo ra bởi máy tính sẽ không mệt mỏi, không già đi, không mắc bệnh “sao”,… như con người thật.

Hải Đăng