Đăng kiểm ô tô là thủ tục bắt buộc để các đơn vị có chuyên môn kiểm tra về chất lượng kỹ thuật phương tiện, bảo vệ môi trường và cấp chứng nhận chiếc xe đó đủ điều kiện để lưu thông trên đường.

Trên thực tế, việc đưa "xế cưng" của mình đến cửa đăng kiểm sẽ là khá bỡ ngỡ và có phần bất an với nhiều người mới sử dụng xe, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi một số cơ sở trong khu vực phía Nam có những sai phạm trong quá trình kiểm định xe cơ giới và Cục Đăng kiểm đang siết chặt hơn công tác này trên phạm vi toàn quốc.

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, các chủ xe cũng không nên quá lo lắng bởi thực chất đăng kiểm cũng chỉ là hoạt động hết sức bình thường và có quy trình rõ ràng. Nếu chiếc xe của bạn trong trạng thái hoạt động tốt, không vi phạm các quy định hiện hành (liên quan đến phạt nguội, độ chế các chi tiết quá mức,...) sẽ không có gì đáng ngại.

Nếu thuận lợi, mỗi chiếc xe chỉ mất khoảng 30 phút cho toàn bộ quá trình kiểm định (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Dưới đây là một số điều cần biết liên quan đến việc đăng kiểm xe ô tô:

1. Giấy tờ cần mang theo khi đi đăng kiểm

Với xe kiểm định lần đầu và lập Hồ sơ phương tiện để tham gia giao thông, người đưa xe đến đơn vị đăng kiểm cần xuất trình, nộp các giấy tờ sau:

- Bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký.

- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện, gồm một trong các giấy tờ sau: Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước; Bản sao có chứng thực quyết định tịch thu bán đấu giá của cấp có thẩm quyền đối với xe cơ giới bị tịch thu bán đấu giá; Bản sao có chứng thực quyết định thanh lý đối với xe cơ giới của lực lượng quốc phòng, công an; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước).

- Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).

Đối với các xe đăng kiểm những lần tiếp theo, người mang xe đi đăng kiểm chỉ cần xuất trình Giấy đăng ký xe và Giấy đăng kiểm cũ. Từ 1/10/2021, không cần phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như trước đây.

2. Phí đăng kiểm:

Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ đăng kiểm và phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm như sau:

STT Loại xe ô tô

Giá dịch vụ đăng kiểm

Phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm

1 Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng 570.000 40.000
2 Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo 360.000 40.000
3 Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn 330.000 40.000
4 Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn 290.000 40.000
5 Xe ô tô chở người trên 40 chỗ (kể cả lái xe), xe buýt 360.000 40.000
6 Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 chỗ (kể cả lái xe) 330.000 40.000
7 Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 chỗ (kể cả lái xe) 290.000 40.000
8 Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi 250.000 90.000
9 Xe ô tô cứu thương 250.000 40.000

Ngoài ra, người đưa xe đi đăng kiểm còn phải nộp phí sử dụng đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm hoặc nộp theo năm. Mức phí này là 130.000 đồng/tháng đối với xe ô tô con dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân và hộ kinh doanh; các loại xe khác mức phí này dao động từ 180.000 - 1.430.000 đồng/tháng.

Ngoài lệ phí đăng kiểm, chủ xe hoặc người đưa ô tô đến trạm đăng kiểm còn phải nộp phí sử dụng đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm hoặc theo năm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

3. Thời hạn, chu kỳ đăng kiểm

Thời hạn, chu kỳ đăng kiểm được quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT như sau:

4. Một số trường hợp có thể bị từ chối đăng kiểm:

- Xe chưa nộp phạt nguội giao thông;

- Lắp các loại cản va, giá nóc; thay đổi đèn chiếu sáng, còi xe,... sai quy định;

- Lắp thêm, bỏ bớt ghế ngồi không đúng theo đăng ký xe (như trường hợp xe van 2 chỗ ngồi nhưng lắp thêm hàng ghế sau hoặc xe 7 chỗ tháo rời hàng ghế cuối để chở hàng,...);

- Thay đổi kết cấu, nhận diện của xe không đúng với thông số ban đầu đã đăng ký với cơ quan chức năng (như độ công suất máy, nâng gầm, kéo dài/thu ngắn trục cơ sở, thay đổi kích cỡ lốp xe, đổi màu sơn,...)

5. Mức phạt đối với ô tô quá hạn đăng kiểm (theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP):

- Đối với lái xe: Phạt tiền 3-4 triệu đồng đối với việc điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng; phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với việc điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn từ 1 tháng trở lên. Đồng thời, lái xe còn bị tước GPLX từ 1-3 tháng với cả hai trường hợp trên. 

- Đối với chủ xe: Phạt tiền 4-8 triệu đồng với chủ xe là cá nhân hoặc 8-12 triệu đồng với chủ xe là tổ chức khi để xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng tham gia giao thông; phạt tiền 6-8 triệu đồng với chủ xe là cá nhân hoặc 12-16 triệu đồng với chủ xe là tổ chức khi để xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên tham gia giao thông.

Ngoài những lưu ý cơ bản trên, các chuyên gia và người có kinh nghiệm khuyên rằng, trước khi mang xe đi đăng kiểm chủ xe cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của xe mình, đặc biệt là các bộ phận dễ quan sát như hệ thống đèn, lốp, gạt mưa; các loại dầu máy, dầu phanh, nước làm mát, nước rửa kính,... và bổ sung cho đủ.

Đồng thời, nên vệ sinh sạch sẽ bên trong và ngoài xe khi đưa đi đăng kiểm, hoặc tối thiểu là lau sạch các biển số, choá đèn, lốp xe,...  đăng kiểm viên dễ dàng kiểm tra, đối chiếu hơn.

Để yên tâm, nên đưa xe đến một gara có uy tín để kiểm tra tổng thể các bộ phận và khắc phục ngay các lỗi (nếu có). Điều này vừa giúp chiếc xe qua cửa đăng kiểm dễ dàng nhưng quan trọng hơn là đảm bảo cho "xế cưng" hoạt động tốt và an toàn trên đường.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!