Những lái mới, mặc dù đã có giấy phép lái xe nhưng lại thường có tâm lý ngại ra đường vì lo sợ va quệt, vi phạm luật giao thông và đặc biệt là vô cùng lo lắng khi bị cảnh sát giao thông (CSGT) tuýt còi.
Thậm chí, nhiều người dù chỉ mới nhìn thấy bóng “áo vàng” từ xa đã rơi vào cảnh tim đập chân run mặc dù có thể bản thân không mắc lỗi gì.
Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Đăng Hoàng (33 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về những cảm xúc như vậy trong những ngày đầu lái xe:
Cách đây 3 năm, gia đình tôi đón thêm thành viên mới nên vợ chồng tôi quyết định “tậu” một chiếc ô tô để tiện đi lại. Chiếc xe là phương tiện tốt để phục vụ gia đình những ngày nắng mưa, lễ tết; đồng thời cũng hỗ trợ hiệu quả cho công việc kinh doanh của tôi.
Dù đã có bằng lái xe ô tô từ lâu, nhưng thú thật là trước đó do ít sử dụng nên tôi không tự tin lắm khi một mình lái xe. Chiếc xe mới mua chủ yếu để đi loanh quanh trên các cung đường quen như đưa con đi tiêm, đi sang nhà anh chị em bạn bè và xa nhất là về quê vợ tại thị xã Sơn Tây, cách nhà tôi khoảng 40km.
Mỗi khi có việc phải lên trung tâm thành phố, tôi vẫn thường sử dụng xe máy, vừa đỡ tắc đường lại không phải lo chỗ đỗ xe. Quan trọng nhất là tôi khá sợ mỗi khi đi ô tô lên phố vì đường đông, khó dừng đỗ xe, nhiều đoạn đường một chiều, biển cấm, đèn tín hiệu, vạch kẻ chằng chịt,… như lạc vào ma trận, không cẩn thận bị phạt như chơi.
Không hiểu do “yếu bóng vía” hay tâm lý thiếu tự tin của một lái mới mà tôi đã rất sợ mỗi khi phải đi qua chốt CSGT. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng “áo vàng” từ xa, tôi đã có cảm giác hồi hộp, tim đập loạn xạ như thể là các anh ấy sắp “ăn thịt” tôi vậy.
Nhiều người dù chỉ mới nhìn thấy bóng “áo vàng” từ xa đã rơi vào cảnh tim đập chân run mặc dù có thể bản thân không mắc lỗi gì. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Có lần, khi đang di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, một CSGT bất ngờ xuất hiện ngay trước đầu xe tôi, giơ gậy lên ra hiệu dừng xe. Sợ quá, tôi phanh dúi dụi khiến mấy ô tô đằng sau bấm còi inh ỏi, có xe suýt đâm vào đuôi xe tôi. Nhưng hoá ra, anh cảnh sát này dừng một xe máy đang “đi bão” không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng ở phía sau. Hết hồn!
Lần khác, vào một buổi tối trong lúc chở gia đình đi chơi, dù đã rất cẩn thận đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, những người ngồi trên xe đều đã đeo dây an toàn nhưng tôi vẫn bị một CSGT dừng xe khi vừa qua ngã tư. Tim tôi lại đập liên hồi, trong đầu thầm nghĩ: “Chết rồi, lại bị phạt gì đây!”.
Sau khi chào tôi, anh cảnh sát này cho biết, ô tô của tôi đang bị mất một bên đèn pha, rất nguy hiểm khi di chuyển vào buổi tối, đồng thời đề nghị cho kiểm tra giấy tờ.
Tôi ngớ người nhìn lại thì đúng là xe tôi đang “mắt nổ mắt xịt” thật, có thể một bên bị cháy từ lâu mà tôi không biết. Trong đầu tôi lại thấp thỏm: “Thế là sắp đi tong cả triệu bạc. Buổi đi chơi của cả nhà cũng sẽ chẳng thể trọn vẹn”.
Thật bất ngờ, sau khi kiểm tra xong giấy tờ của tôi, anh CSGT lại chỉ nhắc nhở và khuyến cáo tôi rằng nên đi thay bóng đèn càng sớm càng tốt. Trước khi mời tôi đi, anh này không quên dặn là để trẻ em ngồi ghế trước không an toàn, nên để con ngồi ra ghế sau. Tôi cảm ơn anh CSGT rồi tiếp tục buổi tối của mình. Lại một phen hết hồn!
Sau này, khi thường xuyên sử dụng ô tô và tay lái đã “cứng” hơn, tôi không còn ngại ngần khi đi ô tô lên phố nữa, cũng tự tin hơn khi đưa gia đình đi xa để bọn trẻ được khám phá các vùng đất mới.
Đặc biệt, “căn bệnh” trước đây của tôi là tim đập nhanh mỗi khi nhìn thấy bóng “áo vàng” cũng dần biến mất. Tôi nhận ra rằng, nếu bản thân các lái xe tuân thủ nghiêm các quy định về giao thông đường bộ thì không có gì phải ngại.
Và thực sự, các anh CSGT cũng không “đáng sợ” như nhiều người nghĩ.
Độc giả Nguyễn Đăng Hoàng (Hà Đông, Hà Nội)
Bạn đã từng sợ gặp CSGT như câu chuyện ở trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc gửi tin bài, video, hình ảnh về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Phụ nữ không có năng khiếu, đừng cố cầm vô lăng
Bản thân các chị em cần tự đánh giá được khả năng của mình, không nên chạy theo “mốt” cho bằng chị bằng em một cách mù quáng vì điều khiển ô tô còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.