Với các du học sinh Đại học FPT lần đầu đón Tết xa nhà, không có hoa đào, hoa mai thật thì trang trí bằng mai đào giả, không có dưa hành, củ kiệu thì cũng cố gắng làm một vài món đặc trưng hay gói bánh chưng, bánh tét để cho giống với không khí Tết Việt Nam; họ tìm đến Hội đồng hương, Hội sinh viên, rủ bạn bè nước ngoài cùng chia vui ngày Tết… Thành kính và trân trọng, họ mang Tết Việt và mùa Xuân của dân tộc mình đến những cộng đồng nơi mình sống và học tập.
Phạm Thị Ngọc Châu, sinh viên Đại học FPT, đang tham gia chương trình học trao đổi của trường tại thành phố Rouen, Normandie, Pháp chia sẻ: “Ở Rouen nơi mình ở mọi thứ giống như một cuộc vui không có thời gian kết thúc”.
Quả thực, việc ra nước ngoài học tập mang đến cho Ngọc Châu một cuộc sống vô cùng phong phú. Đó là những người bạn ngoại quốc luôn nhiệt tình, lịch thiệp; là cơ hội đi du lịch nhiều nơi, khám phá nền văn hóa khác biệt; là cơ hội nâng cao ngoại ngữ, trau dồi kiến thức cũng như rèn luyện sự tự tin. Mới đây, trong dịp Tết dương lịch 2014, nhờ các bạn Pháp, cô đã có một cái Tết Dương lịch vùng Normandie khó quên: được thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng, nghe những truyền thuyết năm mới, trải nghiệm phong tục ăn táo, uống rượu táo đầu năm của người dân… Ngọc Châu cũng được các bạn dẫn đi chơi, tham gia những hoạt động đón năm mới trên đường phố hết sức sôi động.
Vui là vậy, nhưng khi Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang gần chạm đến, cũng là lúc Ngọc Châu bồn chồn nhớ nhà, nhớ dưa hành, củ kiệu, nhớ nồi canh măng nấu lòng gà ngày Tết của mẹ. Để “xoa dịu” nỗi nhớ, Ngọc Châu dự định sẽ cùng sum vầy với bạn bè, kiều bào Việt Nam ở Pháp, cùng chia sẻ những tâm sự, điều ước năm mới và thời khắc thiêng liêng hướng về Tổ quốc.
“Mình sẽ cùng bắt tay chuẩn bị tiệc tất niên đón Tết cùng với các kiều bào và anh chị trong Hội sinh viên Việt Nam tại Rouen, tham gia gói bánh chưng, bánh tét, trang trí mai đào cho giống với không khí ở nhà”, Ngọc Châu chia sẻ.
Cũng học tại FPT và tham gia chương trình trao đổi sinh viên từ cuối tháng 12/2013, Trịnh Thanh Hà, sinh viên Đại học FPT sẽ có một kỳ học dài khoảng nửa năm tại Đại học Brunei Darussalam, Brunei. Muốn tiết kiệm chi phí đi lại và tranh thủ thời gian trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài nên Thanh Hà sẽ không về Việt Nam mà ở lại Brunei đón Tết. Dù lúc ban đầu Thanh Hà cũng không khỏi chộn rộn khi Tết đang đến gần.
Đoàn đi học trao đổi có 12 sinh viên nhưng nhiều bạn đã thu xếp về ăn Tết với gia đình, thành ra chỉ còn một vài người trong đó có Thanh Hà ở lại. Cũng may, nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng ở trường đại học nên ngoại ngữ của Thanh Hà khá tốt, cô bạn cũng nhanh chóng thích ứng với môi trường mới.
Thanh Hà chia sẻ: “Ở đây, ngoài Hội sinh viên Việt Nam tại Brunei, mình còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các bạn Brunei, Trung Quốc... Mình chuẩn bị Tết bằng việc đi mua sắm đồ ăn thức uống, tự làm vài món đặc trưng dịp Tết, đến Đại sứ quán tham gia chương trình gói bánh chưng và đón Tết cùng các anh chị tại đây. Không khí rất vui vẻ, ấm áp khiến mình cảm giác như là được về quê vậy... Sinh viên bọn mình hôm 30 Tết có lẽ sẽ tập trung ăn lẩu cùng nhau hoặc ngồi xem pháo hoa trên ti vi, cảnh đón Giao thừa ở Việt Nam hoặc có thể sẽ ra ngoài chơi. Ngoài ra, vì Tết âm lịch của Việt Nam giống với Tết của các bạn Trung Quốc nên bọn mình được nghỉ một ngày mùng 1. Mình sẽ đón Tết với các bạn Trung Quốc và cùng tạo ra Tết Âm lịch tại Brunei”.
Chưa biết cái Tết xa nhà đầu tiên ở nước ngoài sẽ như thế nào, nhưng Thanh Hà cũng đã ấp ủ kha khá dự định cho năm mới. “Học môn chuyên ngành thật tốt, học tiếng Trung cùng các bạn Trung Quốc; tiếp tục trau dồi tiếng Anh và tranh thủ đi chơi, khám phá mọi thứ từ văn hóa đến các địa danh đặc biệt tại đất nước hồi giáo Brunei…. Mình mong trong 2014 sẽ mang mang kết quả học tập tốt nhất về khoe bố mẹ và bản thân thì trưởng thành nhiều hơn khi trở về Việt Nam”, Thanh Hà tâm sự.
Cũng là lần đầu đón Tết xa xứ, Võ Thanh Nguyên, du học sinh tại Nova, Bồ Đào Nha tâm sự, cậu thực sự rất nhớ quê, nhớ không khí ngày Tết quê nhà.
Cậu sinh viên này cho biết: “Bình thường ở nhà mình, cứ 23 Tết là mọi người đã rộn rịp chuẩn bị đón Tết: Mẹ dọn đồ cúng ông bà Táo, hai chị em mình sẽ dọn dẹp lau chùi bàn ghế, trang trí nhà cửa; cả gia đình chung tay trang trí cây mai ngày Tết… Thường thì ngày mùng Một cả nhà sẽ đi chùa cầu an, mùng Hai, mùng Ba, mùng Bốn thì cùng đi thăm bà con, rồi mùng Năm, mùng Sáu đi chơi với bạn bè… Tết xa nhà 2014 sẽ giúp mình biết trân trọng những khoảnh khắc quý giá bên gia đình, giúp mình trưởng thành hơn. Có lẽ, đôi khi người ta cần “một chút” xa để biết quý những gì mình đang có”.
Để không buồn trong mấy ngày Tết, Thanh Nguyên đã lên kế hoạch bằng những dự định năm mới “thêm màu cho cuộc sống” bằng việc học ghi-ta, bơi lội, tham gia các hoạt động tình nguyện và du lịch trên đất nước Bồ Đào Nha xinh đẹp.
“Có nhiều dự định nhưng điều mình muốn làm nhất là sống vui vẻ bên ba mẹ và bạn bè. Năm mới mình cũng muốn gửi lời chúc ba mẹ của mình sức khỏe, sống vui vẻ không lo nghĩ nhiều về cơm áo gạo tiền con cái nữa”, Thành Nguyên chân thành chia sẻ.
Trong thời khắc năm mới, những điều ước, mong mỏi ấy thật bình dị mà tha thiết. Thế mới biết, dù ở phương trời nào thì Tết vẫn thật thiêng liêng trong lòng mỗi người trẻ Việt.