“Báo cáo thực trạng chuyển đổi số ngành Gỗ 2022” được thực hiện bởi Novaon Tech, Hiệp hội Internet Việt Nam cùng sự tham gia của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA).
Báo cáo này được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 50 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ tại Việt Nam. Trong đó, 70% người tham gia khảo sát là các chủ tịch/CEO/CIO các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu trên 300 tỷ/năm. Phần lớn các doanh nghiệp này có tỷ trọng doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu với 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát có quy mô hơn 200 nhân sự.
Kết quả cho thấy, 75% doanh nghiệp cho biết trong khoảng 1-5 năm tới, chuyển đổi số sẽ là tác nhân ảnh hưởng mạnh tới năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. Trong 2 năm đại dịch, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp gỗ giảm 10% chi phí, tăng trưởng từ 10 - 20% doanh thu và tăng hơn 20% năng suất lao động.
Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi số của ngành gỗ Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Báo cáo cho thấy, 20% doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện chuyển đổi số bất cứ hạng mục nào, hơn 56% doanh nghiệp mới chuyển đổi được một phần và chỉ 4,2% doanh nghiệp đã chuyển đổi số toàn bộ quy trình hoạt động.
Lý giải cho điều này có 3 lý do. Đó là chi phí ban đầu bỏ ra lớn, năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với các khó khăn như lãnh đạo chưa có mong muốn thực hiện chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa đặt chuyển đổi số là ưu tiên và có quá nhiều phần mềm, không tích hợp được với nhau.
Hạng mục được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong chuyển đổi số là quản lý sản xuất và quản lý nhân sự. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả hoạt động và vận hành của doanh nghiệp.
Đối với ngành gỗ Việt Nam, 3 mục tiêu chính mà các doanh nghiệp trong ngành ưu tiên hướng đến khi chuyển đổi số là tối ưu chi phí (85%), tăng năng suất lao động (62,5%) và xây dựng thương hiệu, tăng doanh thu, trải nghiệm khách hàng (45%).
Theo ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon, có đến 54,2% doanh nghiệp chưa thực hiện hoạt động chuyển đổi số nào trong công tác nhân sự, 25% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm quản trị nhân sự nhưng vẫn cần nâng cấp tính năng. Đây là một điểm bất lợi khiến nhân sự lao động của ngành không phát huy được hết khả năng vốn có.
Cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhân sự. Đầu tiên là khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Bên cạnh đó, chi phí lương tăng nhanh, hiệu suất nhân sự chưa cao, quản trị nhân sự thủ công cũng gây tốn thời gian và nguồn lực.
Phần lớn doanh nghiệp đang đối mặt với 3 vấn đề chính trong sản xuất: Quy trình sản xuất hiệu quả chưa cao, chưa biết rõ các sản phẩm lỗi ở công đoạn nào; Khó khăn trong việc đưa ra kế hoạch sản xuất và hoạch định nguồn lực sản xuất; Sử dụng nhiều giấy tờ, các file theo dõi khác nhau.
Khó khăn là vậy nhưng có đến hơn 72% doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất vào hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù ngành gỗ là một ngành chuyên sản xuất và yêu cầu cao về quản lý chất lượng nhưng tỷ lệ ứng dụng phần mềm vào quản lý đang ở mức thấp.
Trọng Đạt