Nhiều công ty ngành dầu khí ghi tên trong danh sách “làm xiếc sổ sách” như công ty nhà Cường đô la.
“Làm xiếc” sổ sách
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2014. QCG một lần nữa khiến nhà đầu tư thất vọng khi các số liệu sau kiểm toán tiếp tục có sự chênh lệch rất lớn so với số liệu công ty tự tổng hợp.
Cụ thể, khi kiểm toán vào cuộc, lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 33 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 56,5 tỷ đồng trước đó. Nguyên nhân của sự chênh lệch này bắt nguồn từ do doanh thu tài chính sụt giảm gần 58%.
Bên cạnh doanh thu sụt giảm, giá vốn tăng càng khiến lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai đi lùi. Giá vốn hàng hóa năm 2014 của công ty nhà Cường đô la tăng từ 468,7 tỷ lên 562 tỷ đồng.
Không chỉ Quốc Cường Gia Lai “làm xiếc” sổ sách, trong những ngày đầu năm 2015, rất nhiều công ty khác cũng bị kiểm toán tìm ra những con số không chính xác. Điều đáng kể, khá nhiều công ty họ dầu khí lọt vào danh sách này.
Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) cũng vừa khiến cổ đông thất vọng khi lợi nhuận sau kiểm toán giảm hơn 57%, từ 9,5 tỷ đồng xuống 4 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm khi PVL phải điều chỉnh một số chi phí.
Kiểm toán viên đã hạch toán tăng gần 7,2 tỷ đồng một số khoản mục chi phí hạch toán thiếu trong kỳ như 704 triệu đồng chi phí lương công nhân, 1,7 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, 1,5 tỷ đồng chi phí dự phòng đầu tư tài chính, gần 1,3 tỷ đồng chi phí dở dang kết chuyển về giá vốn, 1,8 tỷ đồng trích bổ sung lợi thế thương mại,…
“Họ hàng” của PVL là PVX (Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của PVX chỉ còn 10,31 tỷ đồng, giảm gần 70 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Giải trình về sự chênh lệch này, PVX cho biết nguyên nhân là do sau kiểm toán các công ty con có nhiều thay đổi nên PVX phải đánh giá lại các khoản trích lập dự phòng, phải thu khó đòi, đầu tư tài chính...
Trong họ dầu khí, công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) cũng dính nghi án “làm xiếc” báo cáo tài chính. Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của PVR giảm từ mức 1,68 tỷ đồng xuống còn 668,8 triệu đồng.
Kinh doanh bết bát
Có thể thấy, đa số các công ty kể trên đều có điểm chung là hoạt động kinh doanh bết bát và việc cung cấp báo cáo tài chính với nhiều sai số diễn ra khá thường xuyên.
Là công ty vốn ngàn tỷ đồng nhưng mấy năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế của QCG rất khiêm tốn, chỉ trên dưới 10 tỷ đồng. Thậm chí, năm 2011 công ty nhà Cường đô la còn chịu khoản lỗ gần 40 tỷ đồng.
Đi cùng với kinh doanh bết bát, QCG thường công bố báo cáo tài chính tự lập có nhiều sai sót so với kiểm toán. Cách đây chỉ 1 năm, QCG đã phải điều chỉnh nhiều khoản mục lãi ròng 2013 tăng gấp đôi sau kiểm toán
Hoạt động của “ông lớn” dầu khí PVX thậm chí còn bi đát hơn khi phải chịu những khoản lỗ khủng trong năm 2012 và 2013 lần lượt là 1.338 tỷ đồng và 1.623 tỷ đồng. Các khoản lỗ này quá lớn nên con số lãi hơn 15 tỷ đồng không bù đắp được nhiều cho PVX.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2013 của PVX cũng có nhiều biến động mạnh. Hầu hết mọi chỉ tiêu kinh doanh trên báo cáo kết quả kinh doanh của PVX đều thay đổi mạnh khiến công ty này bất ngờ giảm lỗ gần 500 tỷ đồng.
PVL cũng trong tình trạng tương tự PVX. Năm 2012 và 2013, PVL gánh những khoản lỗ lần lượt là 26 tỷ đồng và 187 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty này đang có xu hướng đi lùi dù tổng tài sản vẫn tăng nhẹ.
Và đây cũng không phải năm đầu tiên báo cáo tài chính của PVL có chênh lệch so với kiểm toán. Năm 2013, sau kiểm toán, PVL lỗ thêm 156 tỷ đồng. PVL tăng lỗ khi buộc phải tăng trích lập dự phòng.
Năm 2012, 2013 dường như là khoảng thời gian rất khó khăn của các công ty họ dầu khí. Vì thế, giống như PVX, PVL, công ty PVR cũng phải chịu lỗ trong thời gian này. Khoản lỗ của PVR “khiêm tốn” hơn “họ hàng” khi chỉ đạt 17 tỷ đồng và 6,8 tỷ đồng.
Không dính lỗi chênh lệch số liệu nhưng PVR bị kiểm toán nhắc nhở về lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm trong năm 2013, phát sinh lỗ dẫn đến khả năng thanh toán công nợ ngắn hạn có thể gặp khó khăn.
Có thể thấy, đa số các công ty có chênh lệch số liệu trong báo cáo tài chính tự lập và báo cáo sau kiểm toán đều là những công ty đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, không ít cổ đông đã đặt ra câu hỏi có hay không các công ty “làm đẹp” báo cáo tài chính để hỗ trợ giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, dù các số liệu được “làm đẹp” có hỗ trợ giá cổ phiếu trong vài phiên nhưng xét về lâu dài, do công ty hoạt động không hiệu quả nên cổ phiếu vẫn không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tất cả các mã này đều giao dịch dưới mệnh giá.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 6/4, QCG giảm 200 đồng/CP xuống 8.600 đồng/CP. PVR, PVL lần lượt đứng giá ở mức 3.600 đồng/CP và 2.900 đồng/CP. PVX giảm 100 đồng/CP xuống 4.400 đồng/CP.
(Theo VTC News)