Năm 2004, Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam thì đến 2006, tập đoàn này đặt bước chân đầu tiên sang thị trường nước ngoài. Điểm đến được Viettel lựa chọn là Campuchia.Mạng di động của Viettel tại quốc gia này có tên là Metfone, với slogan “Thân hơn cả bạn thân”.
Nói như ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viettel, cái tên cũng như slogan này cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Viettel ở thị trường nước ngoài đầu tiên. Và thực tế, sau 10 năm kể từ ngày đầu tiên cung cấp dịch vụ tại Campuchia (19/2/2009 - 19/2/2019), mọi kết quả đều cho thấy hướng đi của Viettel là đúng đắn. Thế nhưng, giờ đây câu chuyện kinh doanh ở Campuchia cũng như ở nhiều quốc gia khác của Viettel đang cần xoay chuyển mạnh mẽ.
Khi quyết định tiến công ra thị trường nước ngoài, vì sao Viettel lại chọn Campuchia là nước đầu tiên, thưa ông?
Chúng tôi triển khai di động ở Việt Nam được 2 năm thì quyết định đầu tư ra nước ngoài. Mới làm thì chưa có kinh nghiệm, mà chưa có kinh nghiệm thì đi gần thôi, chọn những nước mà mình hiểu được văn hoá của người dân. Lúc đó mà sang châu Phi ngay thì không được, vì chẳng biết châu Phi có gì, cứ ngồi nhà nghe nói châu Phi nóng lắm, ruồi muỗi nhiều… thì đúng là chưa hiểu được. Còn về Campuchia thì khác.Về văn hoá, Việt Nam và Campuchia khá tương đồng.Mối quan hệ chính phủ cấp cao cũng tốt. Đó là những lý do chúng tôi chọn đầu tư ở Campuchia đầu tiên.
Nghiên cứu thị trường Campuchia thời điểm đó cũng cho thấy có khoảng 6-7 nhà mạng nhưng “anh” nào cũng nhỏ nhỏ, chưa “anh” nào có thể làm chủ đạo thị trường nên chúng tôi nghĩ mình có cơ hội để làm tốt.
Về những ngày đầu tiên khi bắt đầu sang thị trường Campuchia, ông nhớ những gì?
Chúng tôi bắt đầu sang đây từ năm 2006. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi được cấp phép làm viễn thông.Mất khoảng hơn một năm để phát triển mạng lưới, hạ tầng, đến ngày 19/2/2009, mạng Metfone khai trương dịch vụ.
Có một điểm đặc biệt khi Viettel vào thị trường này là trước đó gần như không có mạng cáp quang nhưng khi vào thì Metfone xây hơn 20.000 km, đó là những ví dụ về câu chuyện về việc phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông Campuchia ngang tầm khu vực, thế giới.
Khi có hạ tầng, mạng lưới tốt, Viettel quyết định cung cấp dịch vụ cho tất cả vùng sâu vùng xa, chiến lược gần giống như Việt Nam.Đã làm viễn thông phải làm cho tất cả mọi người, coi viễn thông giống cơm ăn, áo mặc.
Một điểm đặc biệt nữa, công nghệ viễn thông thay đổi liên tục, người ta nói đến công nghệ 3G, 4G, sắp tới 5G. Thị trường viễn thông ở Campuchia thực hiện rất tốt các bước đi về công nghệ, thậm chí còn triển khai 4G trước cả Việt Nam.
Quyết định đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm đó và những gì đạt được đúng là thần kỳ, nhưng khi bắt đầu, các ông có sợ nhỡ may thất bại?
Ra thị trường nước ngoài có một số rủi ro. Một số nước có nền chính trị khác Việt Nam thì có khi Chính phủ cũ cấp phép cho mình, Chính phủ mới lại phủ định nên khi làm thì cần tính toán vấn đề này. Về vấn đề kinh tế khi ra nước ngoài mà muốn kinh doanh tốt thì kinh tế của nước đó cần đi lên.Ví dụ vừa rồi kinh tế Mozambique đi xuống, tiền mất giá thì cũng gặp một số khó khăn. Nhưng yếu tố kinh tế thuộc vĩ mô, không nằm trong tầm tay mình.
Bên cạnh đó còn là rủi ro về văn hoá, thời tiết… Haiti năm nào cũng có bão to, ví dụ vậy. Tóm lại chúng tôi cũng run nhưng khi đi làm thì phải nghiên cứu kỹ, có cách chắc chắn vào từng bước từng bước một, từng bước giải quyết từng vấn đề, xong nước này rồi sang nước khác có nhiều kinh nghiệm hơn.
Bây giờ thì Viettel không chỉ là nhà mạng mà còn tiến sang những mảng mới, phát triển mạnh chuyển đổi số ở cả Việt Nam lẫn thị trường nước ngoài như Campuchia. Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu mới?
Hôm dự tổng kết ngành ở Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi cũng từng đề cập rồi. Chúng ta cần đặt câu hỏi là tại sao những công ty không phải viễn thông, khai thác các dịch vụ số, làm thương mại điện tử, làm mạng xã hội... không có mạng lưới, không có khách hàng viễn thông, họ dựa trên toàn bộ mạng lưới của viễn thông mới phát triển mạnh như giờ?Trong khi đó, viễn thông lại cứ đi xuống.Thực tế là viễn thông thế giới đang rất đi xuống.
Lý do chính là viễn thông đang hài lòng với chuyện bán voice, data và thấy là những thứ này vẫn đem lại tiền. Ừ thì đem lại thật, tiền vẫn to, Viettel vẫn thu 10-12 tỷ USD. Nhưng cứ tiếp tục như thế thì rồi đến lúc mấy “anh” kia sẽ “ăn” hết thôi.
Việc đầu tiên mà Viettel nghĩ đến chính là không gọi mình là nhà điều hành viễn thông nữa mà là nhà cung cấp dịch vụ số. Nếu mình vừa là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, vừa là nhà cung cấp dịch vụ số như thanh toán số, ngân hàng số, nội dung số… thì chắc chắn sẽ rất mạnh. Chúng ta cần phải kết hợp 2 điểm mạnh ấy. Xác định như vậy nên năm 2019 này chúng tôi cũng chuyển đổi, đang cấm nói mình là viễn thông mà nói mình là nhà cung cấp dịch vụ số.
Và thứ để đo đếm “sức khoẻ” của Viettel theo đó cũng chính là dịch vụ số?
Có thể nói như thế này: Sức mạnh hay tài sản của doanh nghiệp như Viettel không thể nói là mạng lưới to. Mạng lưới chỉ là cơ sở cho phép mình phát triển trên đó và nếu chỉ phát triển mạng lưới thì tưởng tượng mình là culi, khuân vác. Còn “ông kia” ngồi trên đầu mình “ăn” hết.Tôi thấy vừa là cu li vừa là ông chủ thì hay hơn (cười).
Như vậy là lý do mà ở những thị trường nước ngoài, Campuchia chẳng hạn, có nhiều dịch vụ còn áp dụng thậm chí sớm hơn Việt Nam như eMoney, 4G, 4.5 LTE?
Để doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đó thì Chính phủ cần cấp phép. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đường đi, khung pháp lý để có thể thực hiện.Nói thật là việc triển khai các dịch vụ đó ở Campuchia thực chất còn chậm hơn cả châu Phi.Viettel đã làm eMoney ở Tanzania, Mozambique còn sớm hơn. Dù thế, làm được hay không do chính sách từng nước nên mình quyết định làm trước hay làm sau chứ không phải Viettel muốn làm ở đâu.
Làm các dịch vụ số như vậy rõ ràng là xu hướng rồi nhưng không thể phủ nhận là cũng vô cùng thách thức?
Dịch vụ số thường hay va chạm với dịch vụ truyền thống. Chẳng hạn như làm ngân hàng số thì đương nhiên ngân hàng truyền thống sẽ không đồng ý và nhiều thứ khác.
Hiện nay thì viễn thông của Việt Nam từ vị trí 50 đã tụt xuống 108 thế giới và nhiệm vụ đặt ra là phải trở lại vị trí trên trung bình. Để làm được điều này, quan trọng không phải ở việc xây dựng mạng lưới mà chính là cung cấp các dịch vụ số ví dụ như nội dung số, thanh toán số, xây dựng chính phủ điện tử.
Quan trọng nhất là dự án xây dựng cơ sở dân cư quốc gia mà Việt Nam chưa có, vẫn đang làm.Mỗi người sinh ra sẽ có một số định danh đến cuối đời, trong cơ sở đó trình độ, sức khỏe, ý thích đều sẽ được ghi nhận.
Campuchia đang có lợi thế nhất định để Viettel có thể phát triển định hướng về số, ông có thể phân tích rõ hơn định hướng của tập đoàn tại thị trường này?
Quan trọng nhất là mạng lưới dữ liệu không phải 3G mà là 4G. Viettel đang xây dựng mạng lưới 4G tốt nhất của Campuchia, phủ sóng rất rộng, tốc độ thậm chí còn tốt hơn hơn Việt Nam, cũng chuẩn bị cho 5G – công nghệ mà thế giới đang dự đoán triển khai hàng loạt và ồ ạt.
Ở Campuchia, chúng tôi cung cấp dịch vụ eMoney.Điểm khác của dịch vụ này là đối với nhiều dịch vụ tương tự, khách hàng vẫn phải có tài khoản ngân hàng, khi giao dịch ngân hàng sẽ tự trừ tiền. Khi trở thành ngân hàng số, tài khoản viễn thông của Viettel có thể dùng như tài khoản ngân hàng, dùng để tiêu, rút tiền ra, nạp tiền vào không còn dựa vào ngân hàng nữa. Ở Việt Nam, chúng tôi đang xin phép, có thể trước tháng 6, Viettel sẽ được cấp phép.
Ngoài ra, nội dung số cũng rất quan trọng. Khi có nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin rồi, nhiều cái không phải nghĩ ra mà thế giới đã có rồi thì mình phải làm được. Tất nhiên có hai điều kiện, thứ nhất là do chính phủ cấp phép và thứ hai mình khẳng định tiềm lực của mình là đầy đủ có thể làm.
Metfone đang là nhà mạng số 1 ở Campuchia, rất thành công. Viettel có tính chuyện bán cổ phần?
Chúng tôi cũng có ý định. Nhưng để bán được cần có sự thống nhất của Chính phủ Campuchia.Trước đó một thời gian chúng tôi cũng đã tìm các nhà đầu tư chiến lược rồi nhưng sau tính đi tính lại thấy thời điểm chưa hợp lý lắm.Song đến giờ thì có thể nghĩ lại chuyện đấy.
Ở các thị trường khác thì sao?
Ở đâu cũng vậy. Đi đầu tư thì bao giờ cũng có 2 việc, đầu tiên là lấy cổ tức về nhưng điều đó rất lâu.Thứ hai là khi giá trị thị trường lên thì hoàn toàn có thể bán, cái gì tốt đều sẵn sàng bán. Nói chung, ở các thị trường chúng tôi đều đang đàm phán cái này, quan trọng là chọn đối tác nào thôi.
Ngoài mở rộng thị trường, sắp tới mình có đầu tư thêm nước nào?
Tư duy Viettel tập trung ở châu Á là đúng, giờ phút này nếu có các nước mới thì cũng là châu Á. Ngày xưa tiếng tăm ít, chúng tôi toàn phải lặn lội đi khắp nơi, khoảng 100 nước trên thế giới để tìm giấy phép. Đến giờ phút này thì người ta tìm đến mình. Hiện nay thì đang nhiều lựa chọn lắm, chúng tôi đang chọn, cân nhắc thôi.