Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ hoạ tại một trường Cao đẳng ở TP.HCM vào năm 2013, thế nhưng, anh Nguyễn Hữu Hiếu (40 tuổi, trú thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không đi theo công việc đã học mà lựa chọn trở về nhà, khởi nghiệp từ chính một loại trái đặc trưng của quê hương.
Sau thời gian dài tự mày mò nghiên cứu, anh Hiếu quyết định làm trà từ lêkima - loại cây được trồng phổ biến vùng thôn quê nơi anh sinh sống.
Lêkima, hay còn gọi là trứng gà, là loại trái gắn liền với lịch sử hào hùng của vùng Đất Đỏ, quê hương của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Nói về cơ duyên đến với loại trà này, anh Hiếu cho biết hơn 10 năm trước, trong một lần ghé vào công viên để viếng nữ anh hùng, khi vừa từ TP.HCM trở về nhà, anh nhìn thấy hàng cây lêkima với những chùm trái chín vàng ruộm rơi đầy dưới gốc. Từ đó, trong anh nảy ra ý tưởng sẽ tạo sản phẩm từ chính loại quả này.
“Để thực hiện ý tưởng, ban ngày, tôi đi thu mua trái lêkima từ vườn của những hộ dân trong vùng. Đêm đến, tôi mang ra nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm làm ra từ trái này. Ban đầu, công việc khá khó khăn bởi mọi thứ đều do bản thân tự mày mò” - anh Hiếu chia sẻ.
Đến tháng 7/2023, từ những kinh nghiệm tích luỹ cùng với số vốn dành dụm, anh Hiếu đã cho ra sản phẩm trà lêkima hoàn thiện và được nhiều người ủng hộ. Sản phẩm của anh có tên thương hiệu là Leki - MDD, nghĩa là Lêkima miền Đất Đỏ.
Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất, anh bắt đầu mua máy móc, thuê nhà xưởng để làm cơ sở chế biến.
Đến nay, mỗi ngày cơ sở của anh Hiếu cho ra khoảng 500 sản phẩm. Đầu ra ổn định giúp anh thu nhập từ 200-250 triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Hiếu, để trà ngon thì trái lêkima được chọn không quá chín mà chỉ vừa bắt đầu ngả sang màu vàng. Sau khi hái về sẽ rửa sạch trái, tách bỏ hạt, ngâm muối để khử chát rồi đưa vào máy bào sợi.
Tiếp đến là công đoạn sấy tươi để khử chất chát trong trái. Cuối cùng là khâu sấy khô - công đoạn quyết định hương vị và độ ngọt của trà.
“Các công đoạn trên được làm trong khoảng hơn một ngày. Sau đó, sản phẩm có thể sử dụng, đóng gói đưa đến tay người tiêu dùng. Theo tính toán, 10kg trái lêkima tươi sau khi chế biến thu được khoảng 1kg trà thành phẩm” - anh Hiếu nói.
Điều đặc biệt, nhãn mác của sản phẩm cũng do chính tay anh Hiếu thiết kế, tái hiện quê hương thông qua hình ảnh chợ Đất Đỏ. Màu chủ đạo được chọn là vàng, tương ứng với màu trái lêkima khi chín.
Để hướng đến sản xuất lâu dài, anh Hiếu đang thực hiện kế hoạch đầu tư vùng trồng và phân phối giống cây lêkima chất lượng cho người dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Đồng thời, anh tiếp tục nghiên cứu nhiều sản phẩm khác làm ra từ loại trái cây này.
Hiện nay, sản phẩm trà lêkima của anh Hiếu đang được UBND huyện Đất Đỏ chọn để đưa vào sản phẩm OCOP của địa phương, hướng đến quảng bá ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
“Từ những dấu ấn lịch sử của quê hương Đất Đỏ, tôi muốn tiếp nối câu chuyện xưa qua trái lêkima. Tôi mong muốn lưu giữ lại những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với địa phương, gắn với biểu tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu thông qua loại quả đặc trưng của quê hương anh hùng” - anh Hiếu bày tỏ.