Sáng 7/12, Khoa hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) đã tiếp nhận và đang cấp cứu tích cực cho bệnh nhân H’Chúa B’yă (10 tuổi, trú buôn Phung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bị ngộ độc do ăn thịt cóc.
Có mặt tại bệnh viện, chị H’Blinh B’yă (33 tuổi, dì ruột cháu H’Chúa) cho biết, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sáng ngày 5/12 vợ chồng chị H’Blanh B’yă và Y Hin đi làm thuê nên giao cháu H’Chúa ở nhà trông nhà 3 đứa em nhỏ là H’Xưn (5 tuổi), H’Nách (3 tuổi) và Y Thuật (2 tuổi).
Khoảng 15 giờ cùng ngày, H’Chúa cùng em gái là H’Xưn (5 tuổi) ra rừng lấy củi bắt gặp một con cóc màu đen nên bắt đem về nhà làm thịt. H’Chúa lột da làm thịt, thấy cóc có nhiều trứng nên giữ lại băm cùng thịt cóc rồi bỏ vào nồi nấu canh.
Người thân đau đớn trước cái chết thương tâm của 2 cháu nhỏ. |
Sau khi nấu canh, H’Chúa cùng H’Nách và Y Thuật ăn canh cóc, riêng cháu H’Xưn không ăn. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, chị H’Blanh (mẹ đẻ các cháu) đi làm về, thấy 3 con là H’Chúa, H’Nách và Y Thuật có triệu chứng nôn mửa, mặt tím tái. Hỏi chuyện thì H’Chúa kể lại có bắt cóc làm thịt ăn.
Biết con bị ngộ độc, chị H’Blanh gọi người nhà đưa các cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. Do bị ngộ độc nặng, cháu Y Thuật và H’Nách đã tử vong trên đường tới bệnh viện, cháu H’Chúa nguy kịch được chuyển lên tuyến trên.
Cháu H’Chúa đang được cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. |
Cũng theo chị H’Blinh, gia đình chị gái H’Blanh có đến 8 người con. Cuộc sống hết sức khó khăn, vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Sau khi các con bị ngộ độc tử vong, vợ chồng H’Blanh phải ở nhà lo làm tang cho các con. Cháu H’Chúa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng không có người chăm sóc. Chị H’Blinh có chồng bị bệnh tiểu đường đang cấp cứu tại bệnh viện nên phải kết hợp vừa chăm sóc chồng, vừa phải chăm sóc cháu H’Chúa.
Chị H’Blinh vừa phải chăm sóc chồng ốm đau, vừa phải chăm cháu bị ngộ độc. |
Ông Y Pôl Êban, Bí thư chi bộ buôn Phung (xã Cư Pui) xác nhận, gia đình H’Blanh là hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của buôn. Cả hai vợ chồng đều đi làm thuê ở xa, bươn chải nuôi các con. H’Chúa là chị lớn trong gia đình, mọi việc trông em, lấy củi và cho em ăn đều dựa vào H’Chúa.
Cũng theo ông Y Pôl, tại địa phương, người dân xem thịt cóc là thức ăn bổ dưỡng nên vẫn thường xuyên bắt về làm thịt. Các cháu nhỏ khi gặp cóc cũng bắt về làm thịt. Chính thói quen này đã gây ra vụ ngộ độc thương tâm.
(Theo Pháp luật TP.HCM)