- Bạn tôi năm nay 23 tuổi đang là sinh viên, vừa bị công an bắt giữ vì làm thẻ sinh viên giả và bán lấy tiền. Theo như tôi được biết thì bạn làm cũng được một thời gian và sử dụng facebook để giao dịch với các khách hàng.

Sau một thời gian làm thẻ sinh viên giả, có hai đối tượng mang thẻ sinh viên giả bạn ấy làm đi lừa thế chấp tại hiệu cầm đồ được khoảng 2 triệu đồng và sau đó bị bắt. Khi bị bắt họ có khai ra bạn tôi và bạn tôi bị bắt giữ.

Bạn tôi và anh họ cùng làm thẻ sinh viên giả và ăn chia 50:50 với khách hàng ở rất nhiều tỉnh thành. Vậy trong trường hợp này bạn tôi bị đề nghị ở mức án như thế nào? Bạn tôi có thể được nhận những yếu tố giảm nhẹ hình phạt như: tiền sử nhân thân và gia đình tốt, bản thân chưa có tiền án tiền sự, làm thẻ sinh viên là ý định bộc phát chứ không phải là có tổ chức đường dây không? Hoặc bạn tôi có thể có được những yếu tố nào để được giảm án? Thời gian từ lúc bắt giam tới lúc xử án là bao lâu và có thể bảo lãnh trong thời gian chờ xử án không? Mong sớm nhận được hồi âm. Tôi xin chân thành cảm ơn! Một bạn đọc dấu tên

{keywords}
Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Trước tiên, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi.

Theo thông tin bạn cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi đưa ra tư vấn như sau:

1. Về hành vi làm giả thẻ sinh viên và trách nhiệm phải chịu:

Pháp luật hình sự quy định người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì sẽ bị xử lý, xử phạt theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Trên thực tế, thẻ Sinh viên là một loại giấy tờ thuộc sở hữu của cá nhân mỗi sinh viên, do một tổ chức giáo dục, trường học cung cấp nhằm chứng nhận và quản lý sinh viên theo học trong tổ chức, trường học đó mà không phải giấy tờ, tài liệu thuộc sở hữu của một cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, hành vi làm giả thẻ Sinh viên là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu do tổ chức giáo dục, trường học phát hành và được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm đánh lừa cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Vì vậy, hành vi làm giả thẻ Sinh viên đã vi phạm quy định của pháp luật hình sự, cụ thể Điều 267 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Căn cứ quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự cùng kết luận của cơ quan điều tra, bạn của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng;

- Phạt tù với thời hạn tối đa bảy năm, căn cứ theo mức độ vi phạm của hành vi.

2. Thứ hai, về thời gian tạm giữ và bảo lĩnh

Căn cứ quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bị tuyên bố tạm giữ sẽ bị tạm giữ trong thời gian tối đa là 9 ngày.

Cá nhân khác không thể thực hiện bảo lĩnh trong thời gian bị tạm giữ. Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ.

Bên cạnh đó, điều kiện để thực hiện bảo lĩnh cho người bị tạm giam như sau:

- Ít nhất hai cá nhân thực hiện bảo lĩnh cho người đang bị tạm giam;

- Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phải cam đoan chịu trách nhiệm về nghĩa vụ bảo lĩnh;

- Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

Như vậy, nếu bạn của bạn mới bị bắt tạm giữ, bạn không cần thực hiện hoạt động bảo lĩnh. Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố và bị bắt tạm giam, bạn cần đáp ứng những điều kiện như trên để thực hiện việc bảo lĩnh.

Trân trọng.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH Gia Phạm, số điện thoại: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc