Chiều 22/7, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp mặt và giao lưu với các thí sinh tham dự chương trình Khởi nghiệp công nghệ. Đây là một chương trình truyền hình mới của Ban Sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. 

Chương trình Khởi nghiệp công nghệ được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp và tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực ứng dụng trên smartphone tại Việt Nam.

{keywords}
Buổi gặp mặt và giao lưu giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với các thí sinh tham dự chương trình Khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt

Chương trình có sự tham gia của nhiều start-up trẻ về công nghệ như mạng xã hội hẹn hò Hotit, ứng dụng đặt và bắt xe khách dọc đường Vihago, chợ tour trực tuyến Triptour, hệ sinh thái chung cư thông minh Cyhome hay ứng dụng tích điểm Utop,...

Làm thế nào để Make in Vietnam trở thành hiện thực, để trí tuệ Việt Nam hoà cùng dòng chảy của trí tuệ nhân loại trong cuộc CMCN 4.0? Đó là nội dung chính trong buổi trò chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với tư cách là người truyền cảm hứng cho các start-up trẻ.

Đâu là lời giải cho các mô hình kinh doanh mới?

Tại buổi trò chuyện, nhiều vấn đề khó khăn trong khởi nghiệp đã được các bạn trẻ chỉ ra. Theo những người làm start-up, một trong những trở ngại lớn nhất tại Việt Nam là về vấn đề cơ chế chính sách. 

Khi tích hợp một công nghệ mới vào mô hình kinh doanh truyền thống, làm thế nào để nó được pháp luật thừa nhận? Mô hình này sẽ đứng ở đâu giữa cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ và cơ quan quản lý theo mô hình kinh doanh truyền thống?

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ quan điểm quản lý của mình với các start-up công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển đổi số. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. 

Lúc này, thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà quản lý là việc ứng xử thế nào đối với các mối quan hệ mới, các mô hình kinh doanh mới. Đó là khi một ứng dụng về du lịch nhưng lại không phải là sản phẩm du lịch, cũng giống như Grab, tuy giải quyết câu chuyện vận tải nhưng lại không phải là taxi. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối với vấn đề này, phải sử dụng cách quản lý mới theo cơ chế sandbox. Đây là cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình mới, trong khoảng thời gian và không gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Sandbox hiện là cách tiếp cận khả thi nhất để quản lý các mô hình kinh doanh mới ứng dụng khoa học công nghệ. Trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ ra khung cơ chế sandbox để trình lên Thủ tướng Chính phủ. 

Làm cách nào để các start-up “tấn công” khu vực kinh tế nhà nước?

Rất nhiều start-up gặp phải tình trạng khó khăn khi sản phẩm của mình làm ra nhưng lại không có chỗ tiêu thụ. Điều này lại càng khó thực hiện hơn khi sản phẩm đầu ra đến với những đơn vị có yếu tố nhà nước.  

Trước câu hỏi làm sao để các start-up có thể tham gia vào khu vực kinh tế nhà nước? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì đã có trong quy định của pháp luật, trong khi đó, bản chất của startup là làm những cái mới, chính điều này đã làm nảy sinh ra sự mâu thuẫn. 

Để giải quyết vấn đề này, thay vì tấn công vào khu vực nhà nước, các start-up nên hướng tới mục tiêu là khu vực tư nhân hoặc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI. 

{keywords}
Nhiều câu hỏi được các start-up đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là khu vực được làm tất cả mọi điều mà pháp luật không cấm. Cái khó ở khu vực này là họ chỉ sử dụng sản phẩm khi nó đem lại hiệu quả. Start-up chỉ có thể tồn tại nếu giải được bài toán hiệu quả này. Việc xâm nhập được khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ mở đường cho sự tham gia của khu vực kinh tế nhà nước. 

Ở một cách làm khác, start-up có thể “tấn công” vào khu vực nhà nước bằng cách làm thí điểm, sau đó nhờ một cơ quan nhà nước có chuyên môn tham gia vào việc định mức hoá. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ làm trung gian hỗ trợ start-up trong việc định mức hoá sản phẩm, từ đó mở đường cho các doanh nghiệp tiếp cận với khối kinh tế nhà nước. Bộ TT&TT cũng sẽ làm cầu nối giữa các start-up có nhu cầu xuất ngoại với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. 

Thế giới đang đổi thay, đây là cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang xảy ra một sự chuyển đổi rất lớn. Dù được gọi là cuộc cách mạng số, chuyển đổi số, kỷ nguyên số hay CMCN 4.0,... đây vẫn sẽ là một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử loài người, khi chúng ta chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Đó cũng là cơ hội để những người trẻ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam.  

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh tham dự chương trình Khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt

Khác với các cuộc cách mạng trước đây, CMCN 4.0 quan trọng nhất là tư duy, thay vì phụ thuộc vào cơ sở vật chất. Do vậy, nó hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Nếu không nắm bắt được CMCN 4.0, chúng ta sẽ lại phải đợi không biết bao lâu nữa. 

Khép lại buổi trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vui mừng khi thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam có ước mơ, ý tưởng lớn và khát khao thay đổi xã hội. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khác với thế hệ ngày xưa luôn muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, động lực của người trẻ ngày nay là ước mơ thay đổi thế giới, thay đổi Việt Nam và làm cho đất nước phát triển. 

"Khó khăn trong quá trình khởi tạo doanh nghiệp cũng giống như một phép thử, để xem ý chí của chúng ta có mạnh hay không, có vượt qua được các thách thức hay không. Do vậy, đã là startup phải có một tư tưởng đột phá độc đáo, mang lại một giá trị khiến mọi người kinh ngạc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Trọng Đạt