Trong thời gian qua, nhiều vụ cháy ô tô bất ngờ khi xe đang lăn bánh trên đường đã được phản ánh, gây ra những thiệt hại về tài sản. Và một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe đến từ việc độ chế phụ kiện thêm cho ô tô.
Trên thực tế, không có một chiếc xe nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng. Vì thế, khi mua xe, nhất là với những ô tô phổ thông, tùy theo sở thích cá nhân, nhiều chủ xe sẽ có xu hướng nâng cấp thêm các phụ kiện như bóng đèn, hệ thống âm thanh, camera hành trình, màn hình giải trí...
Khi hệ thống điện nguyên bản bị can thiệp, khả năng chập cháy hoàn toàn có thể sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, việc sử dụng những phụ kiện lắp thêm không đạt chất lượng hoặc quá trình lắp đặt sai cũng sẽ dẫn đến những sự cố "hỏa hoạn" không mong muốn.
Anh Lê Đăng Trung, Giám đốc điều hành của trung tâm độ xe Chung Auto đánh giá: "Bên cạnh những sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được đảm bảo bởi các nhà phân phối có uy tín, hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại không ít những sản phẩm dành cho ô tô trôi nổi, chất lượng thấp và có giá thành rẻ có thể gây mất an toàn cho xe."
Vị Giám đốc này lấy dẫn chứng về việc độ đèn, thông thường hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn trên xe sẽ có công suất từ 35-55W. Nhưng khi nâng cấp, nhiều chủ xe do không được tư vấn rõ ràng nên đã thay bóng đèn hoặc độ đèn sai công suất hoặc không đúng chuẩn với chóa đèn sẽ gây ra những hỏng hóc, quá tải đối với hệ thống điện.
Mới đây, một vụ cháy xe tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh đã được xác định nguyên nhân do chiếc xe đã có tác động vào hệ thống điện là một ví dụ. Theo chia sẻ từ chủ của chiếc xe xấu số, người này đã lắp thêm khá nhiều phụ kiện như bộ đèn chiếu sáng LED công suất cao, đèn LED cho mặt ca-lăng, camera lùi, camera hành trình... khiến hệ thống điện nguyên bản ít nhiều đã bị "xáo trộn".
Dưới góc nhìn của một người làm trong ngành dịch vụ độ xe, anh Trung cho biết khi nâng cấp bóng đèn LED công suất cao, để an toàn trước hết phải tính được công suất tiêu thụ của phụ tải mới trang bị và hệ thống điện hiện tại. Khả năng chịu tải dây điện của hệ thống đèn chiếu sáng trên một chiếc xe thông thường hoàn toàn có thể đạt được ở mức 90W, thậm chí là 120W.
Tuy nhiên, nếu thay bóng đèn không cần độ chế, chủ xe chỉ cần trang bị một bộ đèn chiếu sáng Xenon hoặc LED công suất từ 65-70W là đủ đáp ứng yêu cầu về chiếu sáng khi chạy xe trong điều kiện tối. Tuyệt đối không thay cầu chì của hệ thống đèn có điện áp cao hơn nhằm tránh tình trạng gây quá tải cho dây điện, dẫn đến chập cháy.
"Còn nếu độ thêm hệ thống chiếu sáng hay nâng cấp hệ thống âm thanh, nguồn điện cần phải lấy trực tiếp từ bình ắc quy để đảm bảo đủ công suất", anh Trung chia sẻ.
Về phía người dùng, sau khi video, hình ảnh chiếc xe bị cháy được đăng tải trên mạng xã hội, một tài khoản có tên Duy Nam Lê Nguyễn cho biết: "Độ đèn thì xe xăng hay xe điện như nhau cả thôi, tất cả cũng lấy điện từ ắc quy sử dụng cho thiết bị. Sự cố xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chất lượng đèn, chất lượng dây nguồn, cách mắc nguồn, chưa tính có thể do thợ làm ẩu tiếp điểm đấu nối..."
Một tài khoản khác có tên Lê Hồng Nhi cho biết dù chưa ưng với hệ thống chiếu sáng nguyên bản của xe nhưng vì sợ can thiệp vào hệ thống điện dẫn đến mất bảo hành nên đã quyết định nói không với độ chế.
Bên cạnh độ xe, một số nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ xe có gồm có để các chất dễ cháy nổ bên trong xe (hóa chất, bật lửa, nước hoa, bình ga…), rò rỉ xăng, sử dụng nhiên liệu kém chất lượng, động cơ quá nhiệt, quá tải pin.
Vì thế, anh Trung cũng khuyến cáo các chủ xe nên trang bị các loại bình cứu hỏa mini, bóng chữa cháy tự động để chủ động xử lý nhanh các tình huống chập cháy khi mới xảy ra. Giá bán của những thiết bị chữa cháy này khá rẻ, chỉ từ 100.00-300.000 đồng.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!