Chưa từng có trong lịch sử
Tuy nhiên, không thấy ông đề cập đến các kịch bản và cơ sở nào để đạt được tốc độ tăng trưởng “trên 10% trong 20 năm tới”. Theo tìm hiểu của người viết thì chưa có bộ phận nào ở Bộ làm đề án này trong khi thời gian hợp nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính chỉ còn vài tuần.
Phải nói rằng, mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian 20 năm tới để đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao là khá tham vọng, khi xem xét ở góc độ trong nước lẫn quốc tế.
Theo nghiên cứu của Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, trên thế giới chưa từng có quốc gia nào tăng trưởng 2 con số liên tục trong suốt 2 thập kỷ. Ví dụ, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai trong một vài quốc gia đã tăng trưởng cao 2 con số nhưng cũng chỉ trong 15 năm.
Hàn Quốc trong 30 năm (1960 - 1990) tăng trưởng GDP trung bình đạt 9,58%/năm, có 14 năm đạt mức tăng trưởng trên 10%; cao nhất đạt 14,8% (năm 1973).
Trung Quốc trong 30 năm cải cách (1977 - 2007), tăng trưởng GDP bình quân là 10,02%/năm; mức tăng trưởng cao nhất (năm 1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%.
Với Việt Nam, khi nhìn về quá khứ, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ mức tăng bình quân 7,56% trong giai đoạn 1991-2000 xuống còn trung bình 7,26% giai đoạn 2001-2010 và 5,95% trong giai đoạn 2011-2020, theo Tổng cục Thống kê. Trong giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế trung bình ước tính cũng chỉ như giai đoạn trước.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chưa bao giờ vượt lên 2 con số và kéo dài trong vài năm kể từ Đổi mới đến nay.
Tăng trưởng “trên 10% trong 20 năm tới” cũng vượt qua mục tiêu đã xác định là GDP bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội 13 đã nêu.
Mong muốn tăng trưởng cao là rất chính đáng đối với nước ta để thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác và để hóa giải nguy cơ “tụt hậu” vẫn đeo đẳng mãi kể từ khi nguy cơ này được đưa vào Nghị quyết Đại hội 7 năm 1991.
Cỗ xe tam mã xuống sức
Nói một cách ví von, tăng trưởng như cỗ xe tam mã là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, tách riêng từng “mã” thì có vẻ đều có vấn đề.
Với “mã” tiêu dùng thì trong 11 tháng đầu năm nay tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,8%, tức chỉ tăng hơn một nửa so với tốc độ tăng của chỉ số này trước đại dịch, theo Tổng cục Thống kê.
Với “mã” đầu tư thì đầu tư công vẫn rất ì ạch và khó là động lực. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm, vốn đầu tư công bằng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư ngoài nhà nước cũng tăng rất thấp ở mức 2,7% năm 2023 và 7,1% trong 9 tháng đầu năm 2024.
Còn với “mã” xuất khẩu đang là động lực chính. Tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ (+24,2%) và EU (+16,4%). Tuy nhiên, mức tăng này có được là do mức tăng trưởng âm khá lớn của năm trước (Hoa Kỳ -15,8% và EU -8,9%).
Hiện nay, chúng ta đã là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba vào Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra: Nếu chúng ta tăng xuất khẩu hơn nữa vào Hoa Kỳ thì sẽ nhảy lên vị trí thứ hai hay số một? Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ ngay từ bây giờ trong bối cảnh chính quyền ở Hoa Kỳ mới sẽ ra mắt tới đây.
Các số liệu trên cho thấy, cỗ xe tam mã rất khó có động lực mới để phi với tốc độ “trên 10% trong 2 thập kỷ”.
Chúng ta có thể tăng tốc để phát triển vượt bậc được hay không? Chắc chắn chúng ta làm được việc này, nếu nguồn lực trong dân được giải phóng, niềm tin kinh doanh được bồi bổ.
Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng nhất
Một ý nổi bật mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu trong Hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất.
Xét về nhiều mặt, ý này là mạnh mẽ nhất trong bài phát biểu vì chỉ đúng nút thắt còn tiềm năng nhất để đất nước cất cánh.
Xin trích dẫn một vài số liệu cơ bản từ Niên giám thống kế năm 2023, theo đó khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 20,54% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20,45%, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 50,46%.
Bên cạnh đó, về tạo việc làm, khu vực kinh tế Nhà nước tạo chỉ chiếm 7,9%, khu vực FDI 10%, đều thua xa khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 82,1%.
Vấn đề là Tổng cục Thống kê không công bố tỷ lệ đóng góp trong GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức, mà theo Ban Kinh tế Trung ương, tỷ trọng này chỉ loanh quanh chưa đến 10% trong nhiều năm nay.
Hay nói một cách khác, khu vực kinh tế này không lớn lên được. Chẳng hạn, tổng tài sản của một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhất từng tham dự Hội nghị với Chí phủ gần đây là 70 tỷ USD, chỉ tương đương tài sản của Tập đoàn Infosys, Ấn Độ. Đó là chưa kể nếu so sánh với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực bất động sản, khoa học, công nghệ, ô tô… của các nền kinh tế khác thì số tài sản này chẳng thấm tháp gì.
Cả đất nước hơn 100 triệu dân mà chỉ có hơn 930.000 doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức thì khó mà cất cánh được.
Muốn phát triển tốt lên, không cách gì khác là phải khơi gợi sức dân, bắt đầu từ tư duy và hành động.
Chỉ đạo “dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật chiều ngày 29/12, khi ông nói: "Cần dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản", quán triệt tư duy "ai quản lý tốt nhất thì giao", người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm, cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm”.
Những chỉ đạo này hứa hẹn nhiều cải thiện cho người dân và doanh nghiệp, nhất là khi cuộc cách mạng cải cách hệ thống Nhà nước đang lên cao trào, nhưng đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa vì sẽ phải sửa đổi 184 luật và 200 nghị định (theo thống kê của Bộ Tư pháp).
Cuộc cải cách hợp nhất các bộ, ngành nên đặt ra các KPI như giảm bớt các chức năng không cần thiết của Nhà nước và để các chức năng đó cho thị trường, người dân và doanh nghiệp; phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và thị trường để giải phóng sức dân mạnh mẽ nhất.
Trước mắt, cần xử lý ngay một số nút thắt như cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dừng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thay đổi từ tư duy đến hành động, chắc chắn lấy lại niềm tin của giới kinh doanh.
Bồi bổ khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trong buổi tổng kết thì tăng trưởng cao, bền vững trong thời gian dài là tiềm tàng để đạt mục tiêu 2030, 2045.