Hội nghị “Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố trong xây dựng chính phủ điện tử”được Bộ TT&TT giao Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) chủ trì tổ chức ngày 26/8 tại Lý Sơn, Quảng Ngãi với mục đích chính là khẳng định và làm rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm, qui trình xử lý và phối hợp trong công tác giám sát, điều phối và ứng cứu sự cố ATTT của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng quốc gia trước các tấn công mạng đang diễn ra hàng ngày.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, ATTT là vấn đề nóng và đang thu hút sự quan tâm lớn hiện nay.
Nhận định sự kiện tấn công mạng vào hệ thống của Vietnam Airlines vừa qua là một hồi chuông nhắc nhở đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả người dùng không thể lơ là chủ quan với vấn đề đảm bảo ATTT, Thứ trưởng cho rằng: “Ảnh hưởng của tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà còn có thể ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và lợi ích của từng người dân. Chưa có con số thống kê và tính toán chi tiết về các thiệt hại do mất an toàn thông tin tại Việt Nam, nhưng chắc chắn các sự cố và tấn công mạng đã và đang gây ra những thiệt hại không hề nhỏ”.
Để thực hiện công tác điều phối ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng quốc gia, huy động tối đa các nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động ứng cứu sự cố có sự điều phối trên toàn quốc, năm 2011, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 27 quy định về điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet Việt Nam.
Triển khai thực hiện Thông tư này, Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia đã hình thành và phát triển, với cơ quan điều phối là VNCERT. Đến nay đã có 124 cơ quan, doanh nghiệp là thành viên chính thức của Mạng lưới, với hơn 500 cán bộ kỹ thuật chuyên trách trong các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng, trên thế giới ngày nay, cùng với hàng hải, hàng không và đất liền, thì không gian mạng đã trở thành “địa bàn” thứ tư cần được bảo vệ trước các nguy cơ tấn công, khủng bố có thể xảy ra. Vai trò, trách nhiệm của các đội ứng cứu sự cố (CERT/CSIRT) và mạng lưới ứng cứu sự cố đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các cơ quan, tổ chức thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố máy tính chính là các đơn vị chủ lực kết nối, tập hợp thành lực lượng mạnh chống lại các tấn công mạng hàng ngày đang nhằm vào Việt Nam.
”Mặc dù mới được hình thành, Mạng lưới ứng cứu sự cố của chúng ta đã hoạt động rất tích cực, chia sẻ và cảnh báo kịp thời các thông tin về sự cố, mã độc; điều hành, phối hợp xử lý hiệu quả nhiều sự cố, tấn công mạng nghiêm trọng. Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa các hoạt động của mạng lưới, đặc biệt là các cuộc họp giao ban, các hội thảo, hội nghị để chia sẻ, trao đổi thông tin và các vấn đề kỹ thuật, các qui trình hợp tác, phối hợp trong đảm bảo an toàn mạng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, nâng cao năng lực cho mạng lưới”, Thứ trưởng đề nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, để tăng cường công tác đảm bảo ATTT mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, Quốc hội đã ban hành Luật ATTT mạng, Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn Luật này, và Bộ TT&TT cũng đang tích cực xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo ATTT mạng.
Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng để chuyển bị trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt 2 đề án gồm “Đề án giám sát ATTT mạng cho các hệ thống chính phủ điện tử” và “Đề án nâng cao năng lực điều phối, ứng cứu sự cố, phòng chống tấn công, bảo đảm ATTT mạng quốc gia”. Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho lực lượng cán bộ chuyên trách giám sát, điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm ATTT mạng.
Theo Thứ trưởng, Chính phủ hiện đang đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống hành chính công nhanh, gọn, minh bạch, hiệu quả thông qua các ứng dụng CNTT. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ là một chính phủ điện tử hiện đại và tiện ích. Công cuộc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử gắn kết với cải các thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu, nhưng hiện cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức về an toàn bảo mật thông tin. Nhiệm vụ nặng nề đặt ra là đảm bảo cho các hệ thống chính phủ điện tử hoạt động an toàn và thông suốt. Vậy chúng ta cần phải làm gì?
Để giải đáp cho băn khoăn, trăn trở nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng kỳ vọng, thông qua những trao đổi, thảo luận của các đại biểu về các vấn đề đang rất cấp bách hiện nay liên quan đến việc đảm bảo an toàn mạng cho các hệ thống và dịch vụ CNTT trong xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang được triển khai theo Nghị quyết 36a, hội nghị “Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố ATTT mạng trong xây dựng Chính phủ điện tử” sẽ góp phần quan trọng để có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề nóng về bảo đảm an toàn trong xây dựng chính phủ điện tử.
“Tôi mong rằng các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, thảo luận để góp ý cho Bộ TT&TT về những nội dung, giải pháp cần thực hiện, cũng như những nhiệm vụ, dự án mà các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai nhằm đạt được những mục đích trên. Tôi cũng mong rằng Hội nghị sẽ đề xuất được những biện pháp, hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực đội ngũ, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần chung tay bảo vệ an toàn các hệ thống mạng của mỗi bộ, ngành, địa phương, và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.