Tiếp nhận hơn 22.000 phản ánh lừa đảo
Ngày 22/10, tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị Bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức.
Thông tin cụ thể hơn về tình hình lừa đảo trực tuyến hiện nay, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận hơn 22.200 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi đến.
Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư... Mục tiêu cuối cùng của các đối tượng nhắm đến là tài sản.
Ứng dụng nhắm đến nhiều nhất là ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng chứng khoán… Trong khi đó, việc truy vết rất khó khăn do dòng tiền được luân chuyển qua các ngân hàng, ví điện tử.
Trên 1.200 vụ án tạm đình chỉ điều tra, tương đương trên 75% số vụ không thể điều tra tiếp.
Có 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay. Các bước thực hiện chung của đối tượng lừa đảo là thao túng tâm lý, tạo lòng tin.
Mô hình chung các giai đoạn lừa đảo trực tuyến là tiếp cận nạn nhân thông qua gọi điện, nhắn tin, thư điện tử, mạng xã hội.
Sau đó sử dụng phương thức lừa đảo cài ứng dụng độc hại, link website lừa đảo, để lấy thông tin, mã giao dịch, tác động tâm lý trực tiếp.
Cuối cùng chiếm đoạt tài sản thông qua các cổng thanh toán, tài khoản ngân hàng rác hoặc thông qua tiền ảo.
Giải quyết dứt điểm SIM rác, làm sạch tài khoản ngân hàng
Ông Phạm Thái Sơn cho rằng, có 4 trụ cột để giải quyết vấn đề lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng đó là: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, giảm thiểu tác động của lừa đảo, ngăn ngừa lừa đảo.
Đến nay nhiều biện pháp đã được triển khai như: Hoàn thành chuẩn hóa thuê bao, xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp; xử lý tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM; hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia…
Ông Phạm Thái Sơn cho biết, gặp một khách hàng bị lừa đảo số tiền lớn, phát hiện chuyển tiền qua 3 ngân hàng. Người này biết và quen giám đốc ngân hàng nhưng khi làm các thủ tục thì 2 tài khoản đã chuyển hết tiền.
Chính vì vậy theo ông Sơn, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần áp dụng công nghệ để phát hiện sớm các tài khoản ngân hàng có liên quan đến lừa đảo, có cơ chế để các ngân hàng chia sẻ thông tin với nhau, từ đó cảnh báo sớm cho người dùng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho biết, hiện nay, ngành ngân hàng đã làm sạch 3,6 triệu thông tin tài khoản ngân hàng, xác thực qua 40 triệu tài khoản.
Theo ông, việc làm sạch tài khoản, xác thực giao dịch bằng sinh trắc học là chiến dịch lớn, đem lại tiện lợi cho người dân, xử lý gốc rễ lừa đảo trên ứng dụng di động.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2025, tất cả chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký xác thực sinh trắc học nếu muốn thực hiện giao dịch online
“Nếu tài khoản nào không xác thực sẽ bị ngừng giao dịch và ngân hàng phải chịu trách nhiệm với những tài khoản này. Chúng tôi đặt mục tiêu, đến thời điểm 1/1/2025, toàn bộ tài khoản ngân hàng phải sống, sạch, đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân gắn chip, thẻ căn cước công dân, để loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, ông Thái Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng cho rằng, cốt lõi hiện nay là xoá bỏ dứt điểm SIM rác.
Ông kiến nghị Bộ TT&TT, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xử lý dứt điểm SIM rác và làm sạch dữ liệu thuê bao di động; xây dựng các phương án kiểm soát công nghệ trí tuệ nhân tạo, các cuộc gọi deep fake, deep voice... Triển khai các biện pháp tăng cường tính chính danh các kênh thông tin của cơ quan nhà nước.
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cuộc chiến phòng chống lừa đảo trực tuyến đang là thách thức của nhân loại khi hình thức, thủ đoạn lừa đảo liên tục thay đổi.
Do đó, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ, thay vì tuần nào cũng đưa ra hình thức lừa đảo mới, chạy theo đối tượng lừa đảo, hacker như hiện nay, cần trang bị kỹ năng để người dân có thể ứng phó với các hình thức lừa đảo dù đó là hình thức mới, tinh vi.
Ông Trần Quang Hưng cho rằng, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trực tuyến không chỉ là của cơ quan Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của các nền tảng, công ty cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông…
“Chúng ta phải đồng hành cùng nhau để tạo sức mạnh chung, đối phó với kẻ thù mà chúng ta không biết là ai, đang ở đâu, khi nào tấn công. Khi đó mới có thể giảm thiểu được nguy cơ về lừa đảo trực tuyến đang diễn ra”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.