LỜI TÒA SOẠN:

Tuần đầu tháng 4/2024, thông tin về việc lần đầu tiên Đồng Nai lập đội thí điểm bắt chó thả rông và TP Thủ Đức, TP.HCM triển khai trở lại hoạt động này nhận được sự chú ý của nhiều độc giả. Ngay sau lần đầu tiên "ra quân", TP Biên Hoà lên kế hoạch lập thêm 30 đội bắt chó thả rông. Điều này cho thấy, việc để chó mèo chạy ngoài đường thiếu sự giám sát của chủ nuôi, không có xích hay rọ mõm tại các khu dân cư, chung cư đang gây ra sự bức xúc, vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thậm chí an toàn tính mạng người dân. 

Thực tế, đây là vấn đề tồn tại từ lâu, song chưa được xử lý triệt để vì nhiều lý do như ý thức chủ nuôi, chế tài xử lý chưa đủ mạnh...

VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.

Xin chân thành cảm ơn!

Chị Hòa Anh (quận 3, TP.HCM) vẫn còn nguyên sự bực bội khi nhắc tới việc con trai chị bất ngờ bị chó cắn khi đang đi bộ từ trường học về nhà, cách đây 2 năm.

"Nhà gần trường nên gia đình để cháu tự đi. Hôm đó, về tới nhà, cháu kể vừa bị một con chó cắn vào chân. Nhìn máu rớm ra từ dấu răng chó, vợ chồng tôi hốt hoảng.

Sau khi vệ sinh vết thương, chúng tôi gặng hỏi về con chó, cháu cũng chỉ nhớ chó màu nâu, vì bị cắn xong cháu đau quá ôm chân không để ý. Chúng tôi đưa cháu ra chỗ bị cắn tìm thử nhưng cũng không thấy tung tích con chó. Vì không hỏi được, không thể biết chó đã được tiêm phòng dại hay chưa, hôm sau tôi đành cho cháu đi tiêm vắc xin theo đúng phác đồ. Mũi nhắc lại cháu mới tiêm năm ngoái và 3 năm nữa phải tiêm nhắc lại thêm lần nữa" - chị Hòa Anh bức xúc kể lại.

W-cho-tha-rong-2-2.jpg
Hình ảnh chó được thả rộng đi phóng uế thường bắt gặp ở ở nơi công cộng. Ảnh: Tuấn Kiệt 

Cũng từng bị chó chạy rông cắn, anh Nguyễn Văn Phương (quận 11) cho biết, việc xảy ra khi đang ngồi chơi với bạn ở quán nước khu vực Thanh Đa. 

"Đang ngồi thì có con chó chạy lại quẩn chân, tôi lấy tay xua bỗng nó chồm lên cắn trúng tay, chảy máu. Bực quá, tôi rút dép định ném thì chủ chó ở gần đấy chạy lại ôm chó đi. Tôi có hỏi với theo là chó tiêm chưa thì bà đó làu bàu nói "tiêm rồi", sau đó đi mất dạng. Về nhà, vì không yên tâm và mọi người trong gia đình cũng lo lắng nên tôi đành phải đi tiêm phòng" - anh Phương nhớ lại.

Cùng chung nỗi bức xúc với nạn chó thả rông, nhưng với anh Nguyễn Thanh Hùng (quận 10), đó là nạn chó đi vệ sinh vô tội vạ dọc tuyến đường kênh, nơi hàng ngày anh đi bộ thể dục buổi sáng.

W-cho-tha-rong-nguyen-hue-1-3-2.jpg
Chó không rọ mõm, không có dây xích được người chủ giữ chặt khi bắt gặp đội bắt chó thả rông làm nhiệm vụ. Ảnh: Huế Nguyễn

"Nhà cửa chật chội, điều kiện kinh tế cũng không dư giả nên tôi chỉ có thể nâng cao sức khỏe bằng cách hàng ngày đi bộ vài km. Nhà ngay gần đường bờ kè Hoàng Sa, tôi ra đi bộ ven kênh nhưng thật tình, tâm trạng không thoải mái vì luôn phải quan sát để tránh... phân chó.

Không ít lần tôi chứng kiến những con chó rõ ràng là được nuôi chứ không phải chó hoang, cong đuôi tè, ị trên vỉa hè. Thậm chí, chủ thả chó ra cho chạy chơi và vệ sinh bừa bãi ngay đó không hề dọn dẹp".  

Anh Phương, anh Hùng hay chị Hòa Anh đều cho rằng, những quy định như nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh... dường như mới chỉ tồn tại chủ yếu trên quy định, giấy tờ.

"Tôi rất bất bình và mong vấn đề này được xử lý nghiêm" - anh Hùng nói. Tuy nhiên, anh cho biết thêm, gần đây do phải tránh "đạp mìn" nhiều anh mới tìm hiểu và “ngã ngửa” ra, vì mức phạt đối với việc thả rông chó quá thấp.

"Hiện nay, chó mèo được nhiều nhà quý như con, “hầu” ăn uống mỗi ngày, thịt gà thịt bò vài trăm nghìn cũng có; thậm chí "làm đẹp", rồi quần áo, đồ chơi tháng cả triệu bạc,... Với họ, bị phạt 5 trăm, 1-2 triệu đồng không là gì cả, sẽ sẵn sàng tái phạm việc để chó chạy rông ngoài đường với tư tưởng cho thú cưng được chạy nhảy cho thoải mái" - anh Hùng bình luận.

Những câu chuyện thực tế, ý kiến góp ý để dẹp nạn chó thả rông, phóng uế, cắn người bừa bãi xin gửi về địa chỉ: [email protected]