- Tôi lấy chồng năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi thì có một đứa con trai. Chồng tôi bằng tuổi nên vẫn còn ham chơi, không chăm lo đến gia đình. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào bố mẹ, lương tôi làm công nhân chỉ đủ tiền sữa cho con. Nhưng gần đây chồng tôi có ham mê trò đá gà, tiêu tốn rất nhiều tiền. Xin tiền bố mẹ không được, anh ta về đòi tôi phải đưa tiền. Tôi không đưa thì bị đánh đấm rất đau, trong khi con trai anh ta đang ốm cũng không có gì tẩm bổ.
TIN BÀI KHÁC
Tôi thật sự rất chán nản và muốn ly dị. Nhưng khi tôi đưa đơn thì bị anh ta tát và chửi thậm tệ, nói rằng sẽ không bao giờ đồng ý cho tôi ly hôn. Xin hỏi luật sư tòa án có cho phép tôi được ly hôn với chồng không? Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Tôi không cần anh ta phải cấp dưỡng gì cũng được, chỉ cần để yên cho mẹ con tôi được sống yên ổn thôi.
Tôi phải làm sao mới ly hôn được với người chồng bạo lực này? (Ảnh minh họa) |
Trả lời:
Thứ nhất, Khoản 1 điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” Theo quy định này thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi mục đích của hôn nhân không đạt được. Nếu trong trường hợp chồng bạn không thuận tình ly hôn thì bạn có thể đơn phương yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 1 điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Thứ hai, về việc cấp dưỡng cho con sau ly hôn:
Điều 110 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.” Theo quy định này thì sau khi hai bạn ly hôn chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn cho đến khi con bạn thành niên. Tuy nhiên, nếu tại Tòa án, bạn không đề nghị cấp dưỡng thì Tòa có thể ghi nhận nội dung yêu cầu trên.
Theo điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 “ 2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Con bạn mới 4 tuổi nên chồng bạn có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu đến khi thành niên nếu không có thỏa thuận khác của bạn và chồng. Nếu sau này, bạn muốn đề nghị chồng cấp dưỡng cho con thì bạn vẫn có thể nộp đơn đề nghị cấp dưỡng cho con tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Thứ ba, hành vi đánh đập của chồng bạn thường xuyên là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007: “1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;”. Với mỗi hành vi bạo lực nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu hành vi bạo lực chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả theo quy định tại điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Hiện nay pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, bạn có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân hoặc Công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bạn. Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc