Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký nêu rõ, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha.
Sau đó được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn.
Đồng thời, KBTTN Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Theo thông tin phản ánh báo chí, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 hạ xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích KBTTN Tiền Hải.
Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25/8.
Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 2159/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án và xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Quyết định này xác lập quy mô Khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.
Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh.
Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.
Với Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã điều chỉnh, quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng.
Như vậy với Quyết định 731/QĐ-UBND, Thái Bình đã thu hẹp tới 90% khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo các kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen. Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật thuộc loài đặc hữu quý hiếm. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thủy sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối… Ngoài ra, còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm....). |