- Trái ngược với chu kỳ hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 lại tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước, Tổng cục Thống kê vừa thông báo.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI giảm còn sâu hơn cả tốc độ âm 0,07% của tháng tháng 8.
So với tháng 12 năm trước, CPI chỉ tăng 0,4%. Tính bình quân 9 tháng đầu năm nay, CPI cũng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng kể từ đầu năm đến nay, mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,04%.
Đây cũng là mức giảm thấp nhất của CPI tháng 9 trong 10 năm gần đây. Như vậy, cùng với tháng 8, đây là hai tháng có CPI giảm liên tiếp và ở mức thấp nhất 10 năm qua.
Biểu đồ CPI 9 tháng đầu năm 2015 |
Nguyên nhân giá tiêu dùng vẫn giảm tiếp, chủ yếu là do 4 nhóm hàng hóa đã có chỉ số giá giảm mạnh.
Trong đó, có nhóm chiếm tỷ trọng lớn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông.
Đặc biệt, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 3,17% so với tháng trước. Diễn biến đi xuống này là do giá xăng giảm 2 lần vào các ngày 19/8 và 3/9 khiến CPI của tháng 9 giảm khoảng 0,28%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh cũng là do giá gas giảm liên tiếp 4 tháng, qua với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg và chi phí giá điện sinh hoạt giảm 0,32%.
Nguồn cung hàng hoá dồi dào nên lương thực, thực phẩm cũng giảm 0,14%.
Chính vì vậy, 7 nhóm hàng hoá còn lại tăng nhưng không đủ sức để kéo CPI lên. Đáng chú ý, rơi vào mùa khai giảng, nhóm giáo dục tăng mạnh nhất với mức tăng 1,24%. Kế đến là các nhóm đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch,...
Với tình hình này, Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện kích thích sản xuất kinh doanh và tạo dư địa để giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.
Phạm Huyền